Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thông tin cá nhân bị lộ lẽ nào bó tay?

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, vợ chồng tôi liên tục nhận được một số cuộc điện thoại, khi thì xin phép đến “vệ sinh máy lạnh”, lúc khác lại hỏi “anh chị có bán hoặc cho thuê căn hộ không? (chúng tôi ở chung cư). Thậm chí, một số cuộc gọi khác còn mời chúng tôi đi “ăn tiệc hoặc du lịch miễn phí”.

Điều đáng lưu ý là những cuộc gọi này đều thể hiện người gọi đã nắm đầy đủ thông tin của người nhận như họ tên, địa chỉ, thậm chí họ còn biết cả tình trạng nhà ở là chung cư hay nhà riêng lẻ, máy lạnh hiệu gì… để giới thiệu, tư vấn dịch vụ. Những cuộc gọi tương tự như trên tương đối phổ biến, đã được nhiều người phản ánh cũng như được các phương tiện truyền thông đăng tải.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào mà nhiều công ty, dịch vụ lại nắm bắt được thông tin, thậm chí là biết trong nhà người khác có cái gì, cần mua, bán, cho thuê cái gì để họ môi giới, mời chào sử dụng dịch vụ?

Khi tôi đặt vấn đề “Tại sao bạn lại có số điện thoại và những thông tin về mình vậy?”, thì có người ở đầu dây bên kia trả lời lấp liếm, đại loại “chị là khách hàng của bên công ty em”, trong khi người gọi khác thì bảo “thông tin của chị do bộ phận marketing bên em cung cấp nhằm tri ân khách hàng”… Tuy nhiên, khi tôi hỏi thông tin về công ty đó là công ty gì, ở đâu?, thì các nhân viên này cũng mập mờ kiểu “chị đã từng mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ bên công ty em”…

Câu chuyện trên của vợ chồng tôi cho thấy, có thể khẳng định rằng, thông tin cá nhân của chúng tôi và nhiều người khác đã bị một tổ chức nào đó bán cho các công ty, tổ chức có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ mà họ đang mời chào. Rõ ràng, trong những lần đi mua hàng, đăng kí sử dụng dịch vụ, sản phẩm nào đó, chính chúng tôi đã cung cấp thông tin cá nhân của mình để làm các thủ tục sở hữu, bảo hành, nhận hàng… nên chắc chắn rằng, chỉ có những nơi đó mới có thể cung cấp hoặc bán thông tin về khách hàng của họ cho bên có nhu cầu. Tuy nhiên, tổ chức nào để lộ hoặc bán thông tin cá nhân của khách hàng ra ngoài thì khó có thể mà khẳng định được bởi khi tiến hành các giao dịch, cá nhân nào cũng để lại thông tin cá nhân như họ và tên, địa chỉ, điện thoại… của mình.

Như vậy, việc giữ thông tin của mỗi cá nhân là rất khó. Tuy nhiên, để hạn chế thông tin của mình bị lộ ra ngoài, trước hết, mỗi cá nhân cần phải tính toán đến việc có nên cung cấp chi tiết hay chỉ cung cấp một phần thông tin cá nhân của mình. Dù có làm được điều đó, thì đây cũng chỉ là một cách hạn chế việc bị lộ thông tin cá nhân thôi bởi rất nhiều giao dịch chúng ta phải cung cấp thông tin của mình.

Trên thực tế, nhiều dịch vụ, lĩnh vực bắt buộc cá nhân phải cung cấp đầy đủ thông tin về bản thân nên nếu những nơi này đem thông tin cá nhân đi cho hoặc bán thì cũng chẳng thể nào kiểm soát được. Để hạn chế việc thông tin cá nhân bị lộ, trước hết, với những loại giao dịch không bắt buộc hoặc các hợp đồng tự nguyện, các bên liên quan nên thêm vào một điều khoản về “bảo mật thông tin khách hàng” nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng cũng như làm cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp, kiện tụng phát sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra và có chế tài đủ mạnh, trong đó có cả biện pháp công khai thông tin các công ty, tổ chức bán thông tin cá nhân trên các phương tiện truyền thông để khách hàng có thể lựa chọn hoặc quay lưng hay tẩy chay họ.

Yên Hòa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)