Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thông tin cá nhân bị rao bán, 
xử được không?

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng mua bán thông tin cá nhân đang diễn ra công khai, tràn lan trên mạng để trục lợi đã gây phiền hà cho những người trong cuộc. Làm sao xử lý được hành vi này?

Thông tin cá nhân bị rao bán, 
xử được không?

Hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng các cơ quan tố tụng lại khó xử vì “vướng” luật. 

Ngang nhiên bán 
thông tin người khác

Ông Nguyễn Đức Thọ, chánh thanh tra Sở TTTT TP.HCM, cho biết đã có 3 trường hợp mua bán thông tin cá nhân bị xử lý hành chính. “Thanh tra sở đã trao đổi với cơ quan cảnh sát điều tra, hướng xử lý dừng lại ở mức độ xử lý hành chính nhằm răn đe” – ông Thọ nói. Theo ông Thọ, thanh tra sở cũng đã kiểm tra, xử lý các nhà mạng về vấn đề này nhằm ngăn chặn tin nhắn rác.

NGỌC HIỂN

Gần đây, nhiều người đã liên hệ với cơ quan công an nhờ can thiệp, xử lý về việc thông tin cá nhân của họ và người thân bị rao bán công khai trên mạng. Họ là những người có chức vụ, vị trí cao trong các tổ chức, doanh nghiệp.

Hằng ngày họ bị làm phiền bởi nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ các số điện thoại lạ hoặc thư điện tử rác quảng cáo sản phẩm, chào mời mua sim số, bất động sản…

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện có hàng chục triệu thông tin khách hàng (trên 1.000 bản danh sách) bị rao bán trên mạng.

Mỗi danh sách khách hàng chứa thông tin cá nhân của hàng ngàn người như “danh sách 1.200 giám đốc công ty TP.HCM”, “1.533 ông chủ lớn nhất tại Hà Nội”, “9.700 giám đốc tại Hà Nội”… Các khách hàng bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, mua sắm… cũng được đưa vào danh sách rao bán.

Giá bán một danh sách khách hàng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy theo loại dữ liệu, số lượng thông tin. Người mua còn được khuyến mãi phần mềm tìm email, gửi email hàng loạt; danh sách 180 triệu email đã phân loại theo ngành nghề, vùng miền, khu vực…

Thu lợi bất chính

Các tài khoản mạng xã hội rao bán thông tin cá nhân “ăn nên làm ra” là của N.N.T., C.V.L., T.V.D…. Trong đó N.N.T. (ngụ Tân Bình, TP.HCM) hiện là quản lý một công ty thiết kế nội thất. T. rao bán thông tin cá nhân của khách hàng trên trang mạng, sử dụng số điện thoại 093889… để mua bán thông tin cá nhân. Ngoài ra T. còn đăng tin bán hàng trên một số diễn đàn mua bán, rao vặt online.

Người mua thông tin sẽ liên hệ qua Facebook hoặc số điện thoại di động của T.. Sau khi thỏa thuận giá cả, T. yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản. Nhận tiền xong, T. chuyển danh sách khách hàng cho người mua qua email cá nhân hoặc đưa trực tiếp. Giá của mỗi bộ danh sách khách hàng từ vài trăm ngàn đến 5 triệu đồng. Khách hàng còn được T. tặng email và phần mềm gửi email quảng cáo hàng loạt.

Còn T.V.D. (quê Khánh Hòa) và C.V.L. (Gò Vấp) đang làm việc cho một công ty bất động sản tại TP.HCM. D. và L. có trong tay nhiều bộ danh sách, thông tin khách hàng lên đến hàng trăm ngàn người. Phương thức mua bán của L. và D. cũng tương tự như T.. Theo cơ quan điều tra, số tiền mà các đối tượng thu lợi bất chính lên đến hàng trăm triệu đồng.

Khó xử lý

Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi mua bán, trao đổi những thông tin riêng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin là vi phạm pháp luật. Tại khoản 1, điều 226 Bộ luật hình sự quy định người nào mua bán, trao đổi, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, viễn thông, Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, căn cứ thông tư liên tịch số 10/2012 giữa các bộ, ngành liên quan hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, xác định hành vi của các đối tượng trên chưa đủ căn cứ để cấu thành tội phạm theo điều 226 Bộ luật hình sự vì “chưa gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, trước đây cơ quan này đã lập nhiều chuyên án xác minh, điều tra hành vi mua bán thông tin cá nhân tương tự vụ việc trên nhưng do “vướng” các quy định pháp lý nên không thể xử lý hình sự, sau đó chuyển hồ sơ sang cho thanh tra Sở TTTT TP.HCM xử lý vi phạm hành chính.

Cần điều chỉnh luật

Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra căn cứ vào thông tư liên tịch số 10/2012 không xử lý hình sự là có cơ sở bởi không thể xác định như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, cơ sở để xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” phải là “gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng”. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại vật chất đối với người bị rao bán thông tin là điều không thể.

Trong khi đó tại điểm c, khoản 2 điều 226 lại quy định “thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên” là bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 2-7 năm tù. Trong trường hợp trên, các đối tượng đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng thì đã đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Vì thế, các chuyên gia pháp lý cho rằng cần điều chỉnh, bổ sung luật theo hướng: chỉ cần đối tượng thu lợi bất chính hoặc chỉ cần hội đủ một trong hai yếu tố vừa gây hậu quả vừa thu lợi bất chính là đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với tội phạm này.

Cẩn trọng thông tin khi giao dịch

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, khi mua hàng, người mua cần cân nhắc trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho nhân viên bán hàng. Tương tự, khi giao dịch tại ngân hàng, khách hàng nên yêu cầu nhân viên không được cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai.

Trường hợp nhân viên nhà mạng bán thông tin cá nhân của chủ thuê bao cho người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này với tình tiết “lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” với hình phạt từ 2-7 năm tù giam, bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng… (trích điều 226 Bộ luật hình sự).

 

YẾN TRINH (TTO)

Bình luận (0)