Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thông tin đường dây nóng: Ngành giáo dục xử lý rất hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.HCM tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP về việc “xử lý thông tin đường dây nóng” cuối tuần qua. Ông Hoan nhấn mạnh: “Sở GD-ĐT TP giải quyết rất mềm dẻo trong việc tiếp nhận, xử lý những thông tin phản ánh của người dân, phụ huynh (PH) và học sinh (HS). Đây là cách giải quyết từ phức tạp xuống đơn giản và từ đơn giản đến không còn bức xúc. Qua đó cho thấy, đội ngũ cán bộ tiếp dân của Sở GD-ĐT TP nắm luật chắc…”.

Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP – phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Q.Huy

Giải quyết nhanh chóng, kịp thời

Báo cáo với đoàn công tác của UBND TP, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, Tổ trưởng Tổ giúp việc – cho biết, tính đến tháng 2-2017, Sở GD-ĐT TP nhận được 284 thông tin phản ánh qua đường dây nóng. Theo đó, các thông tin này đều được tiếp nhận và xử lý đúng quy định. Nhìn chung, hầu hết các phản ánh của người dân đều xác đáng, được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đem lại sự hài lòng, giúp người dân được thông tin đầy đủ về những chủ trương, chỉ đạo của ngành. Nhất là về quá trình đổi mới căn bản, toàn diện, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học; kiểm tra – đánh giá, hiện đại hóa nhà trường phục vụ mục tiêu hội nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng theo ông Trung, trong quá trình xử lý thông tin của người dân, sở đã gặp một số khó khăn. Đó là một số phản ánh về khối các trường ĐH, CĐ không thuộc phạm vi quản lý của sở nên không thể xử lý được. Bên cạnh đó còn có những vụ việc thuộc phạm vi khiếu nại – tố cáo nhưng nội dung chung chung, không cụ thể, thiếu minh chứng, không có người gửi (nặc danh, để lại email nhưng khi sở gửi thông tin không thấy phản hồi)… gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý. Thậm chí một số người không thực hiện đúng quy trình mà bộ phận xử lý của sở hướng dẫn, trao đổi với những vụ việc có tính chất phức tạp, nhất là liên quan đến khiếu nại – tố cáo; Không đến sở để trao đổi trực tiếp, yêu cầu không phù hợp với quy định chung, gửi lại nhiều lần một nội dung, dẫn đến một số vụ kéo dài; Một số trường hợp người dân phản ánh theo các thông tin không đúng (đọc được nội dung trên mạng điện tử, tình cờ nghe người khác kể…) nên khi xác minh không chính xác, gây mất thời gian của cán bộ, chuyên viên phụ trách…

Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết, đường dây nóng của TP đã tạo một kênh phản hồi thông tin rất hiệu quả, phát huy vai trò giám sát của người dân và quý PH. Qua việc xử lý các phản ánh, sở đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo hoạt động chuyên môn, công tác quản lý tại các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP; điều chỉnh công tác quản lý, tăng cường hiệu quả tham mưu đối với lãnh đạo TP.

Cũng theo ông Nam, ngoài xử lý thông tin qua đường dây nóng của Thành ủy, UBND TP, ngành còn có Ban tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý những phản ánh kể cả khi không có lịch tiếp công dân của lãnh đạo sở. Sau khi tiếp nhận, xử lý, sở đều có văn bản trả lời công dân.

Ghi nhận kết quả này, ông Hoan nhấn mạnh: Đường dây nóng của TP tiếp nhận rất nhiều nội dung phản ánh về ngành giáo dục, trong đó có PHHS và kể cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành. Qua theo dõi, giám sát, TP ghi nhận ngành GD-ĐT TP đã xử lý rất hiệu quả các thông tin người dân, PHHS, nhà giáo… phản ánh.

PH “căng” thì cán bộ phải “mềm”

“Để cho đường dây nóng phát huy hiệu quả hơn, Sở GD-ĐT TP kiến nghị trên cổng thông tin điện tử đường dây nóng cần bổ sung quy định về nội dung phản ánh. Những phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo cần cung cấp đầy đủ thông tin để cơ quan chức năng liên hệ trực tiếp.  Đối với bộ phận tiếp nhận của TP nên lọc bỏ bớt những thông tin phản ánh bị trùng lắp”, ông Nam nói.

Từ thực tế đường dây nóng của Sở GD-ĐT TP, ông Nguyễn Quang Văn – Phó Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, Văn phòng UBND TP – thừa nhận: “Đang có hiện tượng “nhóm lợi ích” ở các trường tư, có biểu hiện lôi kéo cán bộ, giảng viên và HSSV tham gia vào các vụ khiếu kiện kéo dài. Sở GD-ĐT cần có góc nhìn cụ thể về vấn đề này, khi tham mưu cho UBND TP phải bám sát quy định của pháp luật nhằm giúp cho UBND TP khi ban hành quyết định, văn bản tránh bị khiếu kiện ngược lại”.

Về vấn đề này, ông Hoan cho rằng: Công tác tiếp PH ở các cơ sở trường học nên tăng cường và chu đáo hơn. Lịch tiếp PH phải thường xuyên để PH giao tiếp, chia sẻ, hiến kế cho trường; tăng cường nhân sự để tiếp nhận, những phản ánh thông tin từ PHHS. Đặc biệt, cần chú ý đến thời điểm căng thẳng của ngành như tuyển sinh đầu cấp, các khoản thu đầu năm học…

Ông Hoan chỉ đạo: “Sở GD-ĐT cần hướng dẫn, tập huấn cho các cán bộ khi tiếp nhận thông tin và tiếp PH. PHHS căng thẳng bao nhiêu thì cán bộ càng phải mềm mỏng bấy nhiêu. Bên cạnh đó, các nội dung phản ánh chủ yếu liên quan tới trường học, sở cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thì hiệu quả xử lý sẽ toàn diện hơn…”.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)