Thời gian gần đây, việc xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt rồi những thông tin đó được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt đã ít nhiều gây hoang mang trong dư luận.
Người tham gia mạng xã hội nên cẩn trọng trước những thông tin thiếu tính xác thực |
Tin bịa đặt trên mạng xã hội
Vừa qua, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bến Tre cho biết vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, tiến hành triệu tập Nguyễn Minh Chánh (29 tuổi, sinh năm 1989, ngụ tại phường Phú Tân, TP.Bến Tre), để làm rõ hành vi đăng tải nội dung thông tin sai sự thật trên trang mạng xã hội gây hoang mang dư luận.
Theo điều tra, Nguyễn Minh Chánh là chủ trang facebook “TIN TỨC BẾN TRE” có hơn 30.000 lượt người theo dõi. Trước đó, ngày 15-3, trên trang facebook “TIN TỨC BẾN TRE” có đăng tin “Đứa bé 4 tuổi bị chặt đầu, vứt xác gần trường THPT Nguyễn Thị Định, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre”. Đây là một tin đồn nhảm, hoàn toàn không có thật.
Qua làm việc, Chánh đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin trên là không đúng sự thật và cam kết gỡ bỏ các bài viết, thông tin sai sự thật trên facebook. Căn cứ mức độ vi phạm cơ quan chức năng đã áp dụng Nghị định 174 của Chính phủ, xử phạt hành chính Nguyễn Minh Chánh số tiền là 10 triệu đồng.
Nguyễn Minh Chánh không phải là người đầu tiên tung những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, những tin đồn về một số nghệ sĩ qua đời được lan truyền trên mạng facebook cũng khiến dư luận không khỏi hoang mang. Có thể thấy, nghệ sĩ là mục tiêu của nhiều kẻ xấu tung những tin đồn thất thiệt để câu like, gây nên sự tò mò, hiếu kỳ trên mạng xã hội. Một lần vì quá bức xúc, nghệ sĩ Hoài Linh đã không ngại ngần bày tỏ trên trang cá nhân của mình: “Ăn rồi cứ báo tôi chết hoài. Có thời gian rảnh thì nên lo làm ăn giúp kinh tế gia đình, còn nếu đăng tôi chết câu view để sống thì cứ tự nhiên, tôi không buồn đâu. Tôi coi như mình đang làm từ thiện, hoan hỉ”. Chính những hành động trục lợi cá nhân của kẻ xấu đã ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của không ít nghệ sĩ. Họ liên tục gặp phiền phức, rối rắm khi bị kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt.
Đừng rước khổ vì nhẹ dạ cả tin
Việc tung tin đồn thất thiệt không chỉ vi phạm pháp luật và bị xử phạt mà còn gây hoang mang trong dư luận nhưng nhiều người vẫn chưa chú ý khi đưa và tiếp cận những thông tin trên mạng xã hội.
Không chỉ dừng lại ở mức độ tiếp nhận thông tin, nhiều người còn khốn khổ vì nhẹ dạ khi làm theo những cách chữa bệnh “thần kỳ” trên mạng xã hội. Thỉnh thoảng, không ít người dùng mạng xã hội lại “dậy sóng” vì một clip được lan truyền nói về cách chữa nào đó. Điều đáng nói hơn là các cách chữa bệnh thiếu khoa học, không rõ nguồn gốc lại được chia sẻ một cách nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều người đã đặt niềm tin quá vào các clip bày cách chữa bệnh, trao tính mạng của mình cho tử thần mà không hề hay biết. Cách đây không lâu, một người dùng mạng xã hội đã đăng tải clip mô tả khá chi tiết về phương pháp cũng như cách thức chữa bệnh tai biến. Theo đó, người bị tai biến phải kết hợp dùng mo cau để đốt và hun khói. Dù tai biến có bị liệt nửa người nhưng chỉ cần sử dụng “bài thuốc” này là hoàn toàn khỏi. Không biết mức độ kiểm chứng hiệu quả của cách chữa này đến đâu nhưng cũng có người nhận về “trái đắng” khi làm theo cách chữa bệnh thiếu khoa học này. Hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan những khóa học, clip hướng dẫn chữa bệnh không dùng thuốc. Một thực tế không thể phủ nhận là có những bài thuốc được thực hiện, kiểm chứng có căn cứ nhưng cũng không ít phương pháp chữa bệnh có phần “hoang đường”. Vội vã tin vào những phương pháp chữa bệnh chưa có sự kiểm chứng, nhiều người mang người nhà của mình ra làm “chuột bạch” và hậu quả làm bệnh nhân càng thêm đau đớn.
Theo luật sư Nguyễn Hùng Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, “Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội mà chưa có kiểm chứng được quy định tại điều 20, điều 21 Hiến pháp năm 2013 và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, hành vi đưa những thông tin trái pháp luật lên mạng internet còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2009”. |
Theo luật sư Nguyễn Hùng Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, “Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội mà chưa có kiểm chứng được quy định tại điều 20, điều 21 Hiến pháp năm 2013 và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, hành vi đưa những thông tin trái pháp luật lên mạng internet còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2009”.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc cung cấp, đưa tin bịa đặt, không có căn cứ đã và đang gây nên những hệ lụy khôn lường trong xã hội. Thiết nghĩ, một phần vì chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe nên những hiện tượng này vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Yên Hà
Bình luận (0)