Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009. Dự kiến sẽ có những điều chỉnh về khâu tổ chức coi thi và chấm thi để phù hợp với phương án thi theo cụm và tổ chức chấm chéo.
Nhiều học sinh THPT quan tâm đến thông tin về kỳ thi tốt nghiệp – ảnh: Đ.N.T |
Mỗi phòng thi 24 thí sinh
Tại mỗi cụm thi, việc sắp xếp thí sinh (TS) trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 TS ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi 24 TS, số phòng thi của mỗi cụm trường được đánh từ số 001 đến hết. TS tự do được đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú, theo xác nhận của chính quyền cấp xã.
Siết chặt khâu coi thi
TS được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình (các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử); Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý VN đối với môn thi Địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành); không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
|
Dự thảo Quy chế thi cũng bổ sung một số điểm mới nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi. Việc phân công giám thị phòng thi theo nguyên tắc: hai giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường; giám thị không coi thi lại phòng thi đã coi; hai giám thị không cùng coi thi quá một lần. Giám thị ngoài phòng thi có nhiệm vụ theo dõi, giám sát TS và giám thị khi ra khỏi khu vực phòng thi. Tuy nhiên, giám thị ngoài phòng thi không được vào khu vực hành lang phòng thi và xung quanh phòng thi khi TS đang làm bài, trừ trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của chủ tịch hội đồng.
Chấm chéo ra sao?
Quy chế thi dự kiến sẽ bổ sung một số quy định như: Giám đốc sở GD- ĐT ra quyết định thành lập một hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT để chấm bài thi trắc nghiệm của các TS dự thi tại tỉnh mình và chấm bài thi tự luận của các TS dự thi tại tỉnh khác, theo sự phân công của Bộ GD-ĐT.
Hội đồng chấm thi nhận toàn bộ bài thi tự luận và hồ sơ coi thi các môn tự luận do sở GD-ĐT tỉnh khác (theo phân công của Bộ GD-ĐT) bàn giao; chịu trách nhiệm bảo quản bài thi và hồ sơ coi thi đã nhận, trong suốt thời gian chấm thi; giao nộp hồ sơ chấm thi trắc nghiệm và bài thi trắc nghiệm đã chấm; hồ sơ chấm thi tự luận và bài thi tự luận đã chấm cho sở GD-ĐT chủ quản. Chủ tịch hội đồng chấm thi chỉ đạo và phân công thực hiện việc lên điểm, hồi phách, xử lý kết quả chấm thi tự luận cho tỉnh khác. Chấm bài thi tự luận đánh số phách và cắt phách theo quy trình 2 vòng độc lập quy định bởi phần mềm máy tính.
Tuệ Nguyễn (TNO)
|
Bình luận (0)