Cuối tuần vừa qua, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật đã tổ chức diễn đàn khoa học đánh giá lại việc thực hiện Thông tư (TT) 30 về bỏ chấm điểm thường xuyên đối với HS tiểu học. Hầu hết các ý kiến tại diễn đàn đều đồng tình về mặt chủ trương, cho là tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện trên cả nước rất khó khăn, người phản ứng nhất là giáo viên (GV).
Việc không chấm điểm ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình học tập của HS. Ảnh: H.Triều |
GV kêu vất vả vì… sổ sách
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ – Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam – cho biết: Kết quả khảo sát thực tế trên 630 GV, 30 hiệu trưởng các trường tiểu học ở 5 tỉnh gồm Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, có 90% số GV tham gia khảo sát hiểu và nắm được bản chất của TT 30; 95,2% GV cho biết cách đánh giá mới khiến họ vất vả nhiều hơn so với trước đây, biểu hiện là mất thời gian để ghi nhận xét cho từng HS vào cuối kỳ học, năm học. Các trường, lớp học ở các nước dưới 25 HS/lớp, nhưng một GV của ta thì quản lý sĩ số gấp đôi, có GV thể dục, nhạc – họa dạy tới 16-17 lớp nên rất vất vả trong quá trình thực hiện. Trung bình một GV phải dành 92 phút/ ngày chỉ để ghi nhận xét vào sổ và họ phải làm việc mọi lúc, mọi nơi kể cả giờ nghỉ lẫn trong giờ lên lớp. Đặc biệt, GV các môn chuyên như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục tại Hà Nội có người dạy 31 lớp và phải “ôm” 62 cuốn sổ ghi theo dõi chất lượng cùng lúc cho khoảng 1.240 HS (tính trung bình 40 em/lớp). Ở Hải Dương, một GV dạy mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét gần 800 HS. Khảo sát khẳng định, đó là tình trạng chung ở mọi trường tiểu học.
Nhiều nơi chỉ thực hiện mang tính hình thức và đối phó, gây hiệu quả ngược với chủ trương của TT 30. Các trường mất phương hướng khi không còn điểm, không còn danh hiệu HS giỏi, tiên tiến… Kết quả khảo sát cũng cho biết gần 64% cho rằng, TT 30 khiến HS “lười học hơn trước”, 63,6% khẳng định TT “không khuyến khích phấn đấu vươn lên trong học tập”. Trả lời câu hỏi, sau một thời gian thực hiện TT 30, kết quả học tập của HS như thế nào, gần 40% cho rằng kết quả thấp hơn trước, 48,6% cho rằng không có gì thay đổi.
Cần điều chỉnh TT 30
Trong một lần trả lời phỏng vấn, GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội – cho rằng: Chỉ vài năm nữa chúng ta sẽ phải trả giá cho chất lượng giáo dục vì bỏ hết các kỳ thi và bỏ chấm điểm. Tại hội nghị, GS. Thuyết cũng khẳng định, khi xuống các trường, làm việc với nhiều GV họ có đánh giá giống như kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu.
Theo ông Thuyết, một TT mà các đối tượng liên quan là GV, HS, phụ huynh đều bị tác động tiêu cực thì ngành giáo dục cần cân nhắc, sửa đổi.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – cho rằng: TT 30 ý tưởng rất nhân văn trên văn bản nhưng thực hiện lại chưa được như vậy.
Theo ông Tiến, nếu khảo sát tổng thể hơn vì sao TT 30 khó đi vào cuộc sống như vậy thì chắc câu trả lời là thiếu sự đồng bộ trong chính sách. “Đổi mới đánh giá phải gắn với đổi mới chương trình giáo dục, chuyển từ tiếp cận kiến thức sang tiếp cận năng lực thì mới đổi mới đánh giá được”, ông Tiến nói.
Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, ông không nghi ngờ về kết quả khảo sát, Bộ GD-ĐT cũng ý thức được quá trình triển khai có vấn đề chưa tốt, chưa khoa học.
Thứ trưởng Hiển cũng nhấn mạnh, khi xây dựng TT 30, chính người làm cũng xác định sẽ gặp khó khăn nhưng không lường hết được khó khăn như thế nào mà phải qua thực tiễn mới bật ra được chỗ yếu để chỉnh sửa. Thứ trưởng cũng cho biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình mới, trong đó sẽ phải chỉnh sửa TT 30.
Thiên Lam
Bình luận (0)