Công văn 5512 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh, tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo ra hướng mở, tính chủ động cho mỗi nhà trường, giáo viên trong sự nhất quán, đồng bộ với đổi mới giáo dục.
Theo các chuyên gia giáo dục, khi xây dựng giáo án dạy học, giáo viên không nên máy móc, cứng nhắc… (ảnh minh họa)
Nội dung công văn hướng dẫn cụ thể các bước để nhà trường, giáo viên làm căn cứ xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh mỗi đơn vị. Để có thể áp dụng, trước hết giáo viên phải hiểu đúng, hiểu đầy đủ mới tránh tự “đeo gông” vào mình.
Tăng tính chủ động, sáng tạo cho giáo viên
Công văn 5512 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18-12-2020 (thực hiện Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT) với định hướng để các trường trung học tiếp cận tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước khi chính thức triển khai. Đánh giá một cách khách quan, thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức) cho rằng công văn 5512 đã chỉ ra khá chi tiết và đầy đủ nhiệm vụ của hiệu trưởng, tổ chuyên môn và giáo viên trong xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Trong đó nhà trường được chủ động phân phối chương trình, bố trí kế hoạch học tập trên lớp và học tập ngoài nhà trường, chi tiết cách thức tổ chức và mức độ yêu cầu kiểm tra, đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Công văn đã đáp ứng yêu cầu hiện nay về tăng tính chủ động của nhà trường phù hợp với tình hình thực tế, năng lực học tập của học sinh và mức độ của từng bộ môn, giáo viên. “Khi triển khai đòi hỏi nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên phải có đánh giá chính xác để đề ra mục tiêu, yêu cầu, từ đó xây dựng sát với thực tế đơn vị. Điều này tránh được tình trạng quá tải hay bám sát khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT trước đây”, thầy Bình nói.
Từ tinh thần của công văn 5512, thầy Bình nhìn nhận khi triển khai sẽ không còn khái niệm “cháy giáo án”. Việc đánh giá của Bộ GD-ĐT, của Sở GD-ĐT cũng không theo cái chung nữa mà sẽ đánh giá theo trường, tổ chuyên môn, giáo viên dựa trên kế hoạch nhà trường xây dựng. Sẽ không có chuyện giáo viên quá tải nếu nhà trường tổ chức nghiêm túc, bài bản. “Về mặt hình thức, công văn 5512 không quy định giáo viên phải soạn bao nhiêu trang giáo án, đề cập đến bao nhiêu nội dung và mỗi giáo viên phải làm hết. Bởi công văn đề cập rất rõ cho phép tổ chuyên môn xây dựng mẫu chung cho nhà trường. Do vậy, nhà trường phải phân giáo viên ra làm chương, chuyên đề, khi họp tổ phải bàn sâu vào đó”, thầy Bình phân tích.
Sau quá trình tập huấn và dành thêm nhiều thời gian nghiên cứu kỹ công văn 5512, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) nhận định tinh thần của công văn là rất tích cực, giúp từng nhà trường linh hoạt và chủ động hơn rất nhiều trong phân phối chương trình. Giáo viên cũng được “cởi trói” để chủ động thiết kế kế hoạch bài giảng theo đặc thù học sinh, theo yêu cầu của chương trình mới 2018. “Riêng về phụ lục IV đề cập trong công văn, hướng dẫn giáo viên xây dựng khung kế hoạch bài dạy mà giáo viên hay gọi là giáo án. Phần này có thêm các yêu cầu, sản phẩm đầu ra của học sinh, kiểm tra đánh giá, giúp giáo viên hình dung một cách cụ thể những nội dung cần thể hiện trong một kế hoạch bài dạy, phù hợp với yêu cầu đổi mới. Đi cùng với tính mã hóa này, cốt lõi giáo viên phải đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá phù hợp với sản phẩm như xây dựng các bảng tiêu chí đánh giá, hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng. Các mục tiêu, phương pháp đánh giá phải thống nhất song không cứng nhắc, giáo viên có thể lược bỏ bớt các nội dung, mục tiêu…”, cô Trang cho biết.
“Công văn chỉ là xác, chương trình mới là hồn”
Hiện nay trên các diễn đàn giáo viên, tình trạng “bán” giáo án theo mẫu công văn 5512 khá nhộn nhịp. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, thực tế này không lạ bởi giáo viên chưa hiểu rõ bản chất của đổi mới thể hiện trong công văn 5512, còn cứng nhắc trong tư duy, và người chịu thiệt nhất chính là giáo viên, học sinh. “Không thể phủ nhận mục tiêu, chương trình của Bộ GD-ĐT thể hiện trong công văn 5512 là rất tốt, hướng đến trọng tâm là người dạy và người học. Tuy nhiên, chính bởi tư tưởng của giáo viên chưa thông, ngay từ đầu đã “gãy” ở khâu tập huấn, không hiểu rõ bản chất của đổi mới, không hiểu rõ vì sao phải đổi mới nên mới dẫn đến tình trạng “sao chép, copy” giáo án theo hướng mới, làm theo kiểu đối phó. Mỗi giáo viên hãy bắt đầu lại với câu hỏi tại sao phải đổi mới để đứng trước mỗi cái mới sẽ có cái nhìn tích cực, chủ động tìm hiểu, phân tích, học hỏi hơn là đối phó và bảo thủ”, một chuyên gia về giáo dục (xin giấu tên) nhìn nhận.
CẦN SỰ THẤU HIỂU CỦA NHÀ TRƯỜNG, GIÁO VIÊN Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, giáo viên khi chưa vững tâm lý đổi mới rất dễ hoang mang, việc mua bán giáo án trên mạng như một cách đối phó với các module khi giáo viên chưa hiểu, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà người thiệt thòi nhất chính là giáo viên, học sinh. Đổi mới chương trình không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ GD-ĐT mà cần sự đồng lòng của các nhà khoa học, các trường sư phạm, nhất là sự thấu hiểu của từng nhà trường, giáo viên, để hỗ trợ cho công tác đổi mới. Cần đánh giá công văn 5512 một cách tích cực, giáo viên sẽ thấy được “cởi trói”, toàn quyền đổi mới, sáng tạo. |
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thanh Nga (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) sẽ dành thời gian trong hè này để tập huấn trực tuyến miễn phí cho giáo viên về nội dung công văn 5512. Đi cùng với tập huấn là các bài thu hoạch, giáo viên được “cầm tay chỉ việc” làm rõ hơn ở những nút thắt còn băn khoăn, lúng túng, qua đó giúp giáo viên hiểu, tự tin hơn khi đổi mới. “Nhiều giáo viên quan niệm công văn 5512 là áp đặt họ viết những giáo án dài lê thê, mỗi tiết đến 7-8 trang. Trong khi hướng dẫn của công văn chỉ đơn giản là kế hoạch bài học dài hơi cho 3-5 tiết, đảm bảo làm sao học sinh vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Công văn chỉ là xác, chương trình mới là hồn. Hiểu rõ chương trình thì sẽ hiểu cách thức thực hiện. Thực tế là giáo viên đang cường điệu hóa nên thấy nặng nề. Khi xác định được nội dung trọng tâm, thiết kế chi tiết nội dung trọng tâm thì sẽ thấy nhẹ nhàng, đơn giản, thậm chí là chủ động”, TS. Nga cho biết.
Đặc biệt, TS. Nga chỉ rõ, theo công văn 5512, tổ chuyên môn chỉ xây dựng chủ đề lớn, giáo viên sẽ căn cứ vào đó, tùy đối tượng học sinh mà cấu trúc lại cho phù hợp. Khi hiểu, thấm được công văn giáo viên sẽ thấy được vai trò đổi mới để không sợ đổi mới, không sợ thanh tra, kiểm tra, quan trọng là thấy vị trí của mình trong đổi mới. “Khi thực hiện chương trình mới, giáo viên phải dạy theo tình hình thực tế gắn với bối cảnh địa phương, không thể rập khuôn, máy móc. Việc xây dựng giáo án cũng vậy, không nên quá máy móc, áp đặt, cứng nhắc. Công văn 5512 không áp dụng cho các module đã tập huấn mà là cầu nối chương trình hiện hành với chương trình mới để tạo ra sự đồng bộ hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ở cả 2 chương trình”, TS. Nga nói.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)