Bộ GD-ĐT vừa ban thành Thông tư thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. So với trước đây, thông tư mới có nhiều điểm mới, được cho là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tác động mạnh mẽ đến việc dạy và học ở mỗi nhà trường.
Không còn chuyện “nước đến chân mới nhảy”
Các điểm mới đáng chú ý phải kể đến như: Tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% trong xét công nhận tốt nghiệp, theo tỷ lệ 50-50 giữa điểm đánh giá quá trình và kết quả thi, để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây, thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
Cũng theo thông tư, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây, công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IETLS 8.5.
Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) đánh giá, các điểm mới của thông tư rất phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT. Trong đó, việc gia tăng tỷ lệ điểm học bạ ở bậc THPT trong công thức xét công nhận tốt nghiệp phù hợp với việc đánh giá quá trình đang được các trường THPT triển khai theo chương trình mới. Đặc biệt, việc tính điểm học bạ ở cả 3 lớp 10, 11, 12 để xét điểm tính tốt nghiệp theo những trọng số khác nhau chứ không phải chỉ là điểm học bạ của năm học lớp 12 như chương trình cũ sẽ tác động rất mạnh mẽ đến ý thức học tập của học sinh, quan điểm của phụ huynh.
Thầy Cường phân tích: Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ chọn môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu năm học lớp 10. Sau 3 năm triển khai, rõ ràng nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc chọn môn học lựa chọn đã có nhiều thay đổi, quan tâm nhiều hơn đến môn học lựa chọn. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì đâu đó vẫn còn một bộ phận học sinh, phụ huynh chọn môn học lựa chọn theo cảm tính chứ chưa đánh giá đúng năng lực, mục tiêu nghề nghiệp.
“Với công thức xét công nhận tốt nghiệp từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cả điểm học bạ từ năm học lớp 10, 11 đặt ra vai trò học sinh, phụ huynh phải ý thức ngay từ đầu năm lớp 10 trong việc chọn môn học lựa chọn, chọn nghiêm túc và có trách nhiệm. Thông tư cũng giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc tư vấn cho phụ huynh, học sinh đầu cấp chọn môn học lựa chọn”, thầy Cường nhận định.
Riêng điểm mới về việc chỉ được miễn thi còn bỏ quy đổi điểm 10 đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, đồng thời công thức tính tốt nghiệp cũng không có môn ngoại ngữ trong trường hợp này, thầy Cường nhìn nhận, điểm mới vẫn sẽ khuyến khích việc học ngoại ngữ của học sinh song tạo sự công bằng cho học sinh và cho các bộ môn.
“Trước đây, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thường có quan điểm “dồn lực” cho năm lớp 12. Do vậy, việc dạy và học ở 2 lớp 10, 11 cũng có phần nhẹ nhàng. Thế nhưng, với thông tư mới hiện nay thì lại đòi hỏi khác, bắt buộc cả thầy và trò đều phải thay đổi quan điểm, cần nghiêm túc ngay từ năm học lớp 10, vì tác động trực tiếp đến việc tính điểm xét tốt nghiệp”, thầy Phan Khôi Long (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11) đánh giá. |
“Việc học ngoại ngữ của học sinh hiện nay không chỉ phục vụ cho riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT mà xa hơn đó là hành trang để các em học ở ĐH. Học ngoại ngữ trở thành nhu cầu của học sinh. Do đó, với những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ngoài việc được miễn thi tốt nghiệp thì các em vẫn có nhiều cơ hội ở các trường ĐH và phục vụ công việc sau này”, thầy Cường nói.
Đồng tình với những điểm mới trong thông tư thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Phan Khôi Long (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11) đánh giá, những điểm mới trong thông tư sẽ tác động lớn đến cách thức tổ chức dạy của giáo viên, việc học của học sinh.
“Trước đây, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thường có quan điểm “dồn lực” cho năm lớp 12. Do vậy, việc dạy và học ở 2 lớp 10, 11 cũng có phần nhẹ nhàng. Thế nhưng, với thông tư mới hiện nay thì lại đòi hỏi khác, bắt buộc cả thầy và trò đều phải thay đổi quan điểm, cần nghiêm túc ngay từ năm học lớp 10, vì tác động trực tiếp đến việc tính điểm xét tốt nghiệp. Đặc biệt, điểm mới này của thông tư sẽ còn tác động đến việc chọn lựa môn học lựa chọn từ đầu năm học lớp 10 của phụ huynh, học sinh. Bắt buộc phải đánh giá thật nghiêm túc để chọn lựa trách nhiệm”, thầy Long nhìn nhận.
Đòi hỏi đánh giá tại trường phải nghiêm túc, trách nhiệm
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) tâm đắc với thay đổi trong bỏ điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ ra điểm 10 cũng như việc tăng tỷ lệ điểm học bạ trong cách tính điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, thầy đánh giá những điểm mới này sẽ thúc đẩy việc dạy và học ở nhà trường, tạo thêm động lực học tập cho học sinh, khắc phục tâm lý chờ “nước đến chân mới nhảy” của nhiều học sinh như trước kia. Đồng thời, thầy Phú cho rằng đi cùng với đó thì các nhà trường cần nghiêm túc, trách nhiệm trong đánh giá học sinh ở trường, để tạo sự công bằng đối với học sinh ở từng nhà trường, tránh xảy ra tình trạng trường “làm đẹp học bạ” cho học sinh.
“Làm đẹp học bạ” cho học sinh cũng là băn khoăn được phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức nêu ra khi đánh giá về cách thức xét điểm công nhận tốt nghiệp theo thông tư mới. Đồng tình với cách tính điểm xét tốt nghiệp mới vì sẽ tạo động lực cho học sinh học tập nhiều hơn song vị phó hiệu trưởng này cho rằng Sở GD-ĐT mỗi địa phương cần có biện pháp giám sát phù hợp để đảm bảo rằng việc đánh giá ở mỗi nhà trường là thực chất, đúng năng lực học sinh. Có như thế thì việc gia tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp mới đảm bảo đúng mục tiêu ghi nhận và đánh giá năng lực học sinh. “Nếu không có sự giám sát phù hợp thì rất có thể sẽ có tình trạng giáo viên dễ dãi hơn với học sinh để các em xét điểm tốt nghiệp”, vị phó hiệu trưởng nói.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)