ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm) trong trao đổi với Tạp chí Giáo dục TP.HCM về chủ đề tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp đã cho rằng việc chọn đúng ngành nghề giúp học sinh tránh được cảm xúc tiêu cực, áp lực – những điều mà các em có thể gặp phải ở việc chọn sai ngành. Hay nói vui theo một trào lưu của giới trẻ hiện nay, chọn đúng ngành sẽ tránh việc phải đi… chữa lành!
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm)
Tạp chí Giáo dục TP.HCM xin gửi đến bạn đọc một số nội dung tâm huyết của ThS. Phạm Doãn Nguyên đối với công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp học đường hiện nay.
Còn ngộ nhận, “mộng quá cao” khi chọn ngành
+ PV: Thưa thạc sĩ, tại hội nghị tuyển sinh năm 2024, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng mục đích chính của các trường trong tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp không phải để người học chọn vào trường mình mà giúp học sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, sở trường, yêu cầu thị trường lao động. Nếu tư vấn chỉ để hướng thí sinh vào trường mình, sau đó các em lại muốn xét sang trường khác hoặc bỏ học sẽ gây lãng phí. Với kinh nghiệm nhiều năm trong vai trò chuyên gia tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, ông đánh giá công tác này đã chạm được nhu cầu hay đáp ứng đúng mong đợi của người học chưa?
– ThS. Phạm Doãn Nguyên: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của đại diện Bộ GD-ĐT. Mục đích tư vấn hướng nghiệp là giúp cá nhân định hình và phát triển sự nghiệp với mục tiêu cụ thể, dựa trên năng lực, sở trường, phẩm chất, tính cách, niềm đam mê và điều kiện của bản thân; bao gồm cả việc tìm kiếm sự hài lòng và thành công trong công việc.
Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, góp phần quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân. Ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… hoạt động hướng nghiệp được thực hiện rất sớm, thậm chí từ khi các học sinh còn học mầm non, tiểu học. Đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề. Ở nước ta hiện nay, hoạt động hướng nghiệp đã phần nào chạm đến nhu cầu và mong đợi thực sự của người học nhưng nhìn chung vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa sâu, chưa đầy đủ, đồng bộ. Có thể thấy, chúng ta đi vào giải quyết phần ngọn nhiều hơn, chủ yếu hướng nghiệp cho học sinh khi chuyển cấp, hoặc vào mùa tuyển sinh của các trường ĐH.
+ Vậy theo ông, học sinh hiện đã biết chọn ngành, chọn trường phù hợp chưa? Các em cần làm gì để có thể chọn đúng ngành nghề, đặc biệt trong xu thế công nghệ phát triển?
– Phải công nhận là hiện nay, hoạt động tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ngày càng đến gần với học sinh hơn, thực hiện nhiều hơn thông qua tiết học hướng nghiệp, chương trình tham quan trải nghiệm nghề nghiệp, các chương trình tư vấn hướng nghiệp cùng chuyên gia. Bên cạnh đó, còn nhiều kênh khác mà học sinh có thể chủ động tiếp cận tìm hiểu.
Tuy nhiên, như đã nói, nhìn chung công tác hướng nghiệp cho học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa đầy đủ, chưa sâu rộng nên vẫn còn một bộ phận học sinh cuối cấp chọn ngành nghề theo cảm tính, không biết chọn lọc thông tin; chọn theo “hào quang” của nghề, theo ước mơ của người khác hoặc theo số đông; ngộ nhận về năng lực, “mộng quá cao” hoặc có thành kiến, đánh giá không đúng về các ngành nghề. Điều này dẫn đến kết quả không như mong muốn, có thể phải chuyển ngành khi đang học, khó kiếm được việc làm hoặc dễ bị đào thải bởi thị trường lao động trong tương lai.
Để chọn ngành nghề phù hợp, thứ nhất, học sinh cần định vị được bản thân; nghĩa là biết được phẩm chất, năng lực cá nhân, tính cách, đam mê đối với các lĩnh vực ngành nghề. Các em có thể tham khảo ý kiến từ cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp hay những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn. Đồng thời, các em cần quan sát, trải nghiệm thực tế, tận dụng, phát huy những lợi thế nghề nghiệp từ gia đình.
Thứ hai, học sinh cần nhận diện được ngành nghề và công việc cụ thể trong bức tranh việc làm chung. Chẳng hạn, ngành quản trị kinh doanh cần sự năng động, nhạy bén, giao tiếp tốt, khả năng đàm phán thương lượng, khả năng trình bày, phân tích, đánh giá, tư duy quyết đoán… Thứ ba, học sinh phải tìm hiểu để nắm bắt thông tin, xu hướng việc làm, nhu cầu thị trường lao động. Trong quá trình phát triển của xã hội thì một số ngành cũ sẽ mất đi, được thay thế bởi một số ngành mới. Việc tìm hiểu thông tin thị trường lao động giúp các em có sự hình dung, phân tích, đánh giá, dự đoán được cơ hội việc làm trong vài năm tới ở lĩnh vực ngành nghề sẽ chọn; từ đó hạn chế được tình trạng thất nghiệp.
“Hãy hướng nghiệp vì… đam mê”
+ Để hoạt động tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp đạt được hiệu quả mong đợi và có sự phát triển bền vững, theo ông, cần làm gì?
– Để hoạt động tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp được hiệu quả, chúng ta cần thực hiện công tác hướng nghiệp sớm, ngay từ khi học sinh còn học ở bậc tiểu học; có sự đồng bộ từ các cấp. Đặc biệt, cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản cho đội ngũ nhân lực làm công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp. Xây dựng các chính sách phù hợp, có sự giám sát, quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng hướng nghiệp nhưng chỉ nhằm thu hút học sinh vào học trường mình.
– Thế giới công việc, ngành nghề thường xuyên thay đổi, nhất là dưới tác động bởi phát triển khoa học công nghệ. Người làm công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trong thời gian tới cần phát triển bản thân ra sao, thưa ông?
– Trải qua 20 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm cũng như tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp và hiện nay cũng đang trực tiếp phụ trách hoạt động này ở Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, tôi nghĩ rằng, để hoạt động hướng nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, những người làm công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp chúng tôi phải không ngừng làm mới, nâng cấp, hoàn thiện bản thân. Hoàn thiện thông qua việc không ngừng học tập, cập nhật thêm nhiều kiến thức về ngành nghề, về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động; các chủ trương, chính sách, chương trình đào tạo; các công cụ hướng nghiệp hữu ích, nhất là ứng dụng công nghệ trong công tác hướng nghiệp.
Hiện nay, chưa có đơn vị nào trực tiếp đào tạo người làm công tác hướng nghiệp, chủ yếu từ sự phân công bố trí kiêm nhiệm của các đơn vị hoặc cá nhân tự tích lũy kiến thức kinh nghiệm để thực hiện. Công việc tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp mang rất nhiều áp lực, phải thức khuya dậy sớm di chuyển nhiều nơi, tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp; đồng hành cùng học sinh khắp nhiều tỉnh thành. Có lẽ không ngoa khi nói rằng chuyên gia hướng nghiệp là những người góp phần “kiến tạo tương lai cho người khác”, bởi đó công việc này mang trọng trách đặc biệt, liên quan đến quyết định trọng đại của đời người. Để làm được, nhất thiết cần nhiều sự đam mê.
Sắp tới, tôi cũng sẽ hoàn thiện cuốn sách cẩm nang về kỹ năng chọn ngành nghề phù hợp, góp phần trang bị cho các bạn trẻ kiến thức, định hướng việc lựa chọn ngành nghề.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Thục Trân (Thực hiện)
Bình luận (0)