Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thư cha viết cho con

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ, kể cả tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, có rất nhiều thí sinh điểm cao, đạt được nguyện vọng vào các trường như mong muốn. Nhưng bên cạnh đó cũng có một phần không nhỏ thí sinh, vì số điểm hạn chế nên đành phải phải ngậm ngùi…nhường đường đi tiếp cho thí sinh khác. Trước tình cảnh này, nhiều người không tránh khỏi những phản ứng tiêu cực, như bị sốc dẫn đến trầm cảm, buồn chán, tuyệt vọng không muốn giao tiếp với ai, bỏ ăn, tự ti, mặc cảm… Đây là những phản ứng không nên có. Trước tình cảnh này, vai trò tác động của gia đình là quan trọng nhất.    

Dưới đây là bức thư của người cha đi lao động ở nước ngoài, gửi về để an ủi đứa con khi biết kết quả thi của con vừa rồi không tốt. Thư viết khá dài, chúng tôi xin trích mấy đoạn sau:

“… Cha biết hiện tại con rất buồn, rất tuyệt vọng vì kết quả thi vừa rồi quá thấp. Các bạn điểm cao thì rôm rả bàn tính nộp hồ sơ vào trường này trường nọ… Mà số điểm của con thì chẳng thấm tháp tới đâu. Nghe mẹ con bảo mấy hôm rày con bỏ bê, trễ nải khiến cha lo cho con quá! Nhưng cha khuyên con hãy nên suy nghĩ lại. Con hãy ghi nhớ rằng, trong cuộc đua về việc học phải có kẻ thắng, người thua. Nếu con chịu khó nhìn xuống thì sẽ thấy còn có khối người điểm thấp hơn mình… Cha không nghĩ là con lười biếng, vì cha biết tính con vốn chăm chỉ. Nhưng cha biết giới hạn lực học của con. Không đỗ được tốt nghiệp, không vào được đại học, không có nghĩa là cánh cửa vào đời đã khép. Mười hai năm đèn sách đã đủ cho con kiến thức, đủ cho con có văn hóa để sống đàng hoàng, để ứng xử tử tế với đời… Cha biết xã hội bao giờ cũng trọng bằng cấp và chẳng ai muốn thua bè thua bạn. Nhưng cha khuyên con phải nên biết “liệu cơm gắp mắm”. Vả lại thước đo cho sự thành công của một người là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài phía trước, chứ không phải chỉ qua một kỳ thi con ạ!

Cha vẫn nghe người đời nói đúng: không có nghề gì là thấp hèn cả, điều quan trọng là con phải chọn nghề có ý nghĩa mà con yêu thích, nghề đó phù hợp năng lực của con để sau này con có thể đảm đương tốt, mặc dù nghề đó nhiều người chê, ít người chọn… Thế hệ như cha ngày trước vào đời rất sớm, có ít người đeo đuổi việc học, họ phải làm đủ nghề để mưu sinh. Thế mà sau bao năm cha gặp lại, bây giờ họ vẫn ông này, bà nọ, vẫn lao động đóng góp hữu ích cho xã hội… Cha viết mấy dòng này khuyên con suy nghĩ lại. Cha mẹ cũng cần thiết, nhưng chính con là người quyết định hướng đi cho tương lai của mình. Hãy sáng suốt lựa chọn và đừng nản lòng buông xuôi, mà vững tin trên bước đường đời con nhé!”.

Ngọc Tuấn

Bình luận (0)