Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Thư đi – tin lại

Tạp Chí Giáo Dục

+ Cách tính giờ làm việc của giáo viên mầm non

Bà Lê Ngọc Lan (Tiền Giang) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung liên quan đến quy định quy đổi thời gian làm việc của giáo viên mầm non.

Bà Lan phản ánh: Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT có quy định, giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi bảo đảm làm việc 40 giờ/tuần. Vậy hiệu trưởng có thể quy đổi các công việc khác thành giờ đón trả trẻ và trực trưa trên lớp để quy đổi thời gian làm việc 8 giờ/ngày không? Trường của tôi thực hiện chế độ sinh hoạt theo hướng dẫn tại sách Chương trình Giáo dục mầm non (trang 36) thì thời gian dạy trên lớp là 10 giờ/ngày và không có kinh phí chi trả tăng giờ.

– Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT trả lời như sau:

Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định giáo viên mầm non dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Mặt khác, đối với lớp học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp để nhà trường có giáo viên đón, trả trẻ và trực trưa, do đó thời gian đón trả trẻ, trực trưa đối với giáo viên mầm non giảng dạy trực tiếp và giáo viên mầm non làm công tác quản lý tại trường mầm non được tính trong tổng số giờ được quy định như trên.

+ Con của người khuyết tật có được giảm học phí không?

Bà Hoàng Thị Năm (Hà Tĩnh) bị khuyết tật vận động dạng nặng, được hỗ trợ 405.000 đồng/tháng. Công việc chủ yếu của bà là nội trợ, chồng bà bị mù lòa, làm việc ở Hội Người mù, Nhà nước hỗ trợ khuyết tật là 405.000 đồng/tháng.

Hiện vợ chồng bà Năm có con gái 4 tuổi đang học mầm non. Bà Năm hỏi, trường hợp con gái bà có được giảm học phí không? Nếu có thì thủ tục thế nào?

– Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT trả lời như sau:

Căn cứ các quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, trường hợp trẻ em mầm non có cha mẹ bị khuyết tật và đang nhận trợ cấp của Nhà nước không thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.

T.S/MOET/VGP

Bình luận (0)

Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Thư đi tin lại

Tạp Chí Giáo Dục

Tòa soạn Báo Giáo dục TP.HCM vừa nhận đơn của bà Nguyễn Thị Bình (thôn 6A, xã Eakly, huyện KrôngPắk, tỉnh Đăklăk) – giáo viên tiếng Anh Trường THCS Eakly (tỉnh Đăklăk) thắc mắc việc bị cắt lương 3 tháng hè năm 2017 nhưng không có lý do. Trong đơn, bà Bình trình bày hợp đồng giữa bà và UBND huyện KrôngPắk ký là hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Trước đó bà vẫn được chi trả lương theo quy định. Mặt khác, trong năm 2017 này, đồng nghiệp đang công tác tại các trường trên địa bàn có quyết định hợp đồng lao động tương tự vẫn được trả lương hè.

Đồng thời Báo Giáo dục TP.HCM cũng nhận được đơn của ông Hồ Văn Lương, nguyên giáo viên tổ Hóa – Sinh, Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Theo đó, ông Lương bức xúc về việc không được trả hồ sơ bảo hiểm để hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc (quyết định này do hiệu trưởng nhà trường ký). Đơn này cũng đề cập việc lãnh đạo nhà trường gây khó khăn, phiền hà…

Theo đó Báo Giáo dục TP.HCM sẽ chuyển đơn thư của bạn đọc đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để được giải đáp sớm nhất.

T.An