Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện với lượng bệnh nhân tương đối lớn, điều này đồng nghĩa với việc lượng rác thải y tế mà những bệnh việnnày thải ra rất nhiều. Và điều nguy hại hơn cả là trong tình trạng ngập lụt diễn ra trong 4-5 ngày liền, rất nhiều vi khuẩn mang bệnh có thể gây dịch nếu công tác vệ sinh môi trường sau ngập lụt không được quan tâm đúng mức.
Ngập lụt, bệnh viện cũng… kêu trời!
Cơn mưa kéo dài chưa từng có trong mấy thập kỷ qua đã làm cho Hà Nội biến thành chiếc… ao khổng lồ. Nước ở các hồ ao, sông cùng với nước thải tràn vào khắp ngõ ngách của Hà Nội, tràn cả vào nhà dân. ở những khu vực thấp như Tương Mai, Nam Đồng, nhiều nhà ngập trong nước gần 1m khiến cho sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, môi trường ô nhiễm. Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đã có cảnh báo với người dân về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả và sốt xuất huyết. Nước rút đến đâu, người dân nên vệ sinh sạch sẽ đến đó. Phải ăn chín, uống sôi và xử lý nguồn nước tù đọng khu vực xung quanh nhà, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, khuyến cáo.
Sở Y tế Hà Nội đã có công văn chỉ đạo đến tất cả các Trung tâm y tế, các BV trên địa bàn khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo công tác thu dung, khám chữa bệnh thông suốt cho bệnh nhân. Riêng các BV thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra phía Tây của Sở Y tế HN, qua kiểm tra các huyện Mỹ Đức, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ…, hiện có 6 trạm y tế huyện Chương Mỹ đã bị ngập nước, huyện Thanh Oai có 2 trạm y tế bị nước tràn, riêng trạm y tế xã An Phú, huyện Mỹ Đức đã bị cô lập hoàn toàn trong biển nước. Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức đã cử một đội cơ động y tế xuống trực tiếp, phối hợp với chính quyền địa phương xã An Phú dùng xuồng, thuyền để thu dung, cấp cứu kịp thời nạn nhân bão lũ. Ngoài ra, tất cả các trung tâm y tế, các BV khác vẫn đảm bảo hoạt động bình thường. Với các BV trong nội thành, một số BV như BV E, BV Nhi TW, BV Y học cổ truyền Hà Nội, BV Phụ sản Hà Nội… đã bị ngập nước. Đến trưa qua, khuôn viên sân của BV Đống Đa vẫn ngập sâu 1 m, chỗ sâu nhất ngập đến 1,2 m nước. BV đã chủ động huy động lực lượng tại chỗ, di chuyển toàn bộ bệnh nhân và máy móc, trang thiết bị lên tầng 2 an toàn. Nhà ăn của BV cũng đảm bảo dự trữ đủ thức ăn cho người bệnh trong 1, 2 ngày tới. BV Nhi TW tuy nước không vào đến các phòng điều trị nhưng các hành lang BV đều chìm trong nước khiến cho việc vận chuyển bệnh nhân vô cùng khó khăn. BS Lê Thanh Hải, PGĐ BV cho biết: Phải mất đến nửa tiếng để khiêng bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác, nguyên nhân do các y tá phải đi lòng vòng, tránh chỗ ngập lụt. Tại BV E, bệnh nhân nằm điều trị tại tầng 1 các toà nhà đều phải chuyển lên tầng 2. Khó khăn nhất với BV này là mọi hoạt động đều phụ thuộc vào chiếc máy nổ. Nếu nước không rút sớm thì e rằng lượng xăng dầu dự trữ cũng sẽ cạn trong khi BV có 4 bệnh nhân đang thở máy tại khoa Cấp cứu, BS Đoàn Hữu Nghị, GĐ BV cho biết .
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xử lí môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt. Bởi vì sau mưa lũ thường phát sinh nhiều dịch bệnh như tiêu chảy, bệnh ngoài da.. Hiện Trung tâm y tế dự phòng thành phố đang dự trữ khoảng hơn 10 tấn hoá chất Cloramine B, các BV và trung tâm y tế quận, huyện của thành phố cũng dự trữ từ 700kg đến 1 tấn hóa chất này, ngay sau khi ngừng mưa, nước rút sẽ đồng loạt triển khai việc phun thuốc, khử khuẩn nguồn nước ăn, vệ sinh môi trường. Đồng thời trung tâm y tế dự phòng cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn người dân, đặc biệt ở các huyện ngoại thành phát quang bụi rậm…, nhằm phòng chống dịch bệnh. Ông Tuấn khuyến cáo, nếu thấy người nhà bị sốt cao, tiêu chảy kéo dài cần đưa đến BV để tránh lây lan bệnh.
Trong mấy ngày mưa lũ vừa qua, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội đã duy trì 10 kíp hoạt động 24/24h. Tính từ ngày mưa đầu tiên, 31-10, số khách gọi điện có nhu cầu vận chuyển cấp cứu đã tăng vọt, nhưng do tắc đường, ngập lụt nên khả năng đáp ứng vận chuyển của trung tâm chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Cụ thể, trong 2 ngày 31-10 và 1-11, trung bình mỗi ngày trung tâm cử 100 lượt xe đi vận chuyển cấp cứu, song chỉ vận chuyển được 30 ca đến đúng địa điểm. Riêng đội xe cấp cứu của Trạm cấp cứu đầu mối Từ Liêm được đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội đã bị vô hiệu hóa.
La Giang
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)