LTS: Tư duy triết học của nhân loại phát triển rất sớm, từ trước Công nguyên. Khi đề cập đến tư duy triết học mang tính mô phạm dạy đời, các học giả Đông Tây thường nêu lên hai nhà hiền triết trứ danh: Socrate (phương Tây) và Khổng Phu Tử (phương Đông). Qua tham khảo một số sách báo Đông Tây, nhà nghiên cứu – tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng – nêu lên một số nhận định, so sánh. Báo Giáo Dục TP.HCM xin trân trọng giới thiệu để độc giả cùng suy ngẫm.
Socrate sinh ra tại thành Athènes – Hy Lạp (468-400 hay 399 trước Công nguyên). Khổng Tử sinh trước Socrate khoảng 1 thế kỷ, là người nhà Chu, nước Lỗ – tên là Khưu, tự là Trọng Uy (551-479 trước Công nguyên).
Phương pháp giáo dục của hai ông đều dùng lối đàm thoại để truyền bá tư tưởng. Cả hai nhà hiền triết đều có uy tín đối với người đời đương thời và hậu thế. Do đó mà Paul Couchaud qua cuốn sách nhan đề: Những thi sĩ và hiền triết phương Đông (Sageset, poètes d’Asie) đề nghị nên lập miếu đường chung cho các nhà hiền triết của nhân loại, trong đó người ta tạc tượng hai ông – như là nhà đạo đức chuẩn mực.
Sau khi đi chu du khắp thiên hạ, Khổng Tử trở về nước Lỗ dạy học. Ngoài việc soạn lại Kinh Thi, Kinh Thư, định Kinh Lễ, Kinh Nhạc, ông phê bình Kinh Dịch và làm Kinh Xuân Thu. Nhưng tác phẩm nổi danh chính là Luận ngữ. Đây là công biên tập của học trò qua ghi chép những bài giảng dạy của ông và qua các cuộc trò chuyện bằng những câu nói đầy ý nghĩa nhân văn không kém phần bóng bẩy nhưng gọn gàng súc tích mà viết thành sách.
Trong khi đó, Socrate còn tận dụng lối trò chuyện để đối thoại nhiều hơn. Ông không hề viết ra chữ để tạo thành tác phẩm mà cũng không hề mở trường dạy học như Khổng Tử. Socrate như một lãng tử lang thang đó đây trông có vẻ như một lão tử phương Đông. Ông dừng lại nơi đông người tại bến bãi hay trong hội nghị, đặc biệt ở các sân vận động (gymnases).
Cách mà Socrate sử dụng trong lời đối thoại – không khác với những bản câu hỏi Q (question) để người được phỏng vấn tự trả lời A (Answer) thường thấy trong lúc tiến hành điều tra xã hội học mà người Mỹ hay sử dụng tại miền Nam trước đây và tại nhiều nước trên thế giới trong lịch sử giáo dục cận hiện đại.
Platon – một nhà hiền triết đã viết ra quyển tựa đề Biện hộ cho Socrate (Apologie de Socrate). Xénaphon viết được hai quyển: một là Biện hộ cho Socrate – hai là quyển Cuộc đàm thoại của Socrate (Les entretiens de Socrate). Các thế hệ sau đã ví tác phẩm này tương tự như Luận ngữ của Nho giáo.
Mặc dù đứng ở hai phương trời khác nhau – đã khiến cho nhiều nhà triết học cực đoan đưa ra kết luận “Đông là Đông, Tây là Tây”, nhưng những nhà giáo dục khác lại cho rằng cả hai nhà hiền triết Tây phương (Socrate) và Đông phương (Khổng Tử) đều đã có chung một dòng tư tưởng: “nêu cao vai trò giáo dục mang tính nhân bản”.
Khổng Phu Tử |
Khổng Tử cho rằng: “Con người bẩm sinh có tính thiện” (Nhơn chi sơ tính bản thiện). Do đó nhà giáo dục chỉ có việc vun trồng nó lên cho tốt hơn thêm. Socrate cũng nhận định như trên: “thế nhân đều có lương tâm tốt như nhau”.
Socrate đặt ra cho quần chúng – những người mà ông gặp gỡ những câu hỏi khôn ngoan để tự họ trả lời bằng tình cảm chân thật, bằng ý tưởng tốt đẹp, bằng cử chỉ thanh cao – như đặt ra câu hỏi: “Sự việc ấy như thế nào?”, “Phải xử lý ra sao?”, “Ta phải làm thế nào?”. Tất cả các câu trả lời được định hướng vào việc thiện trong xã hội cộng đồng. Do đó, nhiều nhà giáo dục khó tính có thể cho những điều đó có khi phản khoa học vì nhuộm màu sắc thần bí.
Khổng Tử khuyên ta nên tin vào thiên mệnh. Người quân tử không oán trời, không trách thế nhân (bất oán thiên, bất vưu nhân…). Khi được hỏi về thế giới bên kia – Khổng Tử đã trả lời thản nhiên: “Việc sống còn chưa rõ thì nói chi việc chết”. Khi trả lời về thần quyền, ông trả lời: “Quỷ thần kính nhi viễn chi” (Đối với quỷ thần thì kính trọng mà đứng xa). Tuy nhiên, trong Kinh Dịch, ông bộc lộ tư tưởng ảnh hưởng thiên mệnh đối với con người. Tạo hóa chi phối đến sinh mệnh của con người và xã hội – cũng như Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Hay trong một số câu thơ khác: “Quyền họa phúc trời tranh mất cả,/ Món tiền nghi chẳng trả phần ai” (Cung oán ngâm khúc). “Cho hay muôn sự ở đời,/ Hại người, trời hại, cứu người trời thương”. (Lục Vân Tiên).
Qua phác họa chân dung của hai nhà hiền triết nêu trên, nhiều học giả cho rằng – mẫu người quân tử theo phác họa của Khổng Tử – chẳng khác nào mẫu người honnête home (Xin tạm dịch: con người tao nhã, lương thiện, thanh cao có thể đồng nghĩa với gentlemen của Anh! Nếu dịch là chính nhân sẽ ngộ nhận là mẫu người của Khổng Tử).
Thực chất hai mẫu người trên chỉ có lớp vỏ chung là ưa chuộng lý trí và tiết độ. Tuy nhiên về bản chất họ xa cách nhau.
Bản chất của mẫu người mà Khổng Tử mô tả là chính nhân quân tử – một mẫu người tuy bảo vệ luân lý cao cả, không mơ màng lợi danh ô trọc nhưng lại được bao phủ lớp vỏ thần bí tuân phục mệnh trời. Trong khi đó con người thanh nhã của Socrate là mẫu người lịch thiệp, xã giao, phong nhã – không mang tính cách cao siêu nặng nề luân lý.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng cần soi rọi thêm về tư tưởng của Socrate – cũng không tránh khỏi – nhuộm màu sắc huyền bí. Mặc dù được sinh trưởng trong thời thượng cổ nhuộm đầy thần thoại nhưng ông không tin vào thuyết đa thần mà chỉ tin vào những cảm hứng, những tài năng của các nhà triết học, văn nhân, thi sĩ đều được thổi hồn từ sức mạnh thiêng liêng.
Vậy chỗ khác biệt giữa hai nhà hiền triết nói trên bắt nguồn từ đâu?
– Trước hết cả hai đều căn cứ vào vốn học thuật của mình để đưa ra hai luận điểm khác nhau: Khổng Tử lấy ra từ quá khứ những thuần phong mỹ tục để phục hưng thành một hệ thống đạo lý nhằm dạy đời. Nhà học giả Masson – Ourset nhận xét như sau: “Ông không sáng tác gì cả vì không có một dòng chữ nào do tay ông viết ra đã để lại”. Nhưng người truyền đạt lại, sửa chữa và biên soạn theo ý riêng (il ne crée rien – nous n’avons d’aillleurs pas une ligne srement écrite de sa main – mais il transmet corrige et dispose à sa guise). Tuy nhiên ông đã đặt ra các cổ tục trên một tầng lớp luân lý cao siêu, bất diệt.
Socrate
|
Còn đối với Socrate thì thời trước ông nền học thức Âu Tây cổ đại chỉ là những ý tưởng tập hợp (representations collectives) những tri giác thực nghiệm (perceptions empiriques). Tại Hy Lạp vào thời ấy, các nhà ngụy biện ưa thích hư văn. Socrate là người đưa ra những khái niệm (concept) – tức là những ý tưởng tổng hợp và khách quan. Khi đứng trước các sự kiện, ông đã quan sát suy xét và nhận định. Từ đó, ông dùng lý trí để khái quát thành những quan niệm vô tư, rộng rãi. Qua tác phẩm Lịch trình sư phạm, René Hubert đã tóm lược học thuyết của ông theo ba luận điểm: Một là ông đã sáng tạo ra khái niệm – để làm nền tảng – như là chìa khóa để mở vào cánh cửa khám phá những huyền diệu của động tác luân lý hơn là tìm kiếm những bí mật của tạo hóa. Trong khi ông sáng tạo ra được, ông hồ hởi đi đây đi đó để phổ biến cho mọi người. Do đó, ông đã gây được ảnh hưởng lớn về phương diện sư phạm, xã hội và nhân văn.
Socrate đã dùng phương pháp nội quan (introspection) để tự soi rọi mình và soi rọi người. Do đó ông cần đến người khác để kiểm định nhận thức bản thân. Trong khi đó, Khổng Tử lại cần đến quá khứ để khái quát đạo lý mà ông cho là nền tảng xã hội con người. Khi có ai hỏi ông mới mở lời.
Khi Socrate đàm thoại – chính là lúc ông dạy người mà cũng chính là lúc ông dò tìm, kiểm soát như một người điều tra, thí nghiệm. René Hubert khẳng định “cách đối thoại của Socrate – không phải là để tuyên truyền mà chính là để thí nghiệm thiết yếu” (le dialogue socratique n’est pas un procédé de propagante – c’est une expérience cruciale).
Như vậy, ta có thể tạm hiểu được rằng: Khổng Tử chỉ chấn hưng các thuần phong mỹ tục, dựa vào tư tưởng tiền nhân mà đề cao chân lý. Do đó, người đời dễ nhận thức cái hay, cái đẹp mà sùng bái thán phục. Nhưng không phải tất cả đều nhận ra được điều đó, nên ông phải chu du khắp thiên hạ để thuyết phục. Ngược lại, Socrate có công sáng tạo ra phương pháp mới – như đã phân tích – nên dễ gặp những đố kỵ, nghi ngờ vì người đương thời cảm thấy bị chơ vơ bởi quan niệm thông thường còn đang ngự trị… Lại thêm sự giải quyết của ông đã đụng chạm đến nhà cầm quyền Hy Lạp thời ấy. Cuối cùng ông bị khép tội “ác hóa thanh niên” mà bắt ông phải uống độc cần (la cigu) để chọn cái chết. Nhưng chính Khổng Tử lại bị hiểu lầm hơn cả. Do ông lấy ra từ chất liệu của thời xa xưa như là chân lý bất diệt mà sinh ra tầng lớp người nệ cổ quá đáng, tự mình trói buộc mình vào dĩ vãng để sống trong tháp ngà đạo lý cổ điển. Từ đó, từ một nền tảng triết học một thời huy hoàng đã dần tụt hậu so với nhiều dân tộc khác. Đây là sự ngộ nhận mặc dù ông đã từng kêu gọi hãy luôn đổi mới hàng ngày “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Còn thế giới của Socrate đã noi theo con đường sáng tạo của ông mà xã hội sau đó đã được canh tân theo phát biểu của khoa học đến ngày nay.
Bài viết của tôi trên đây – không có gì mới – vì sách báo những năm 30 đã viết nhiều, tôi chỉ tập hợp lại để độc giả thưởng thức. Nhưng có một vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục thảo luận là tại sao xã hội phương Tây lại tiến bộ hàng ngày, đưa ra nhiều ứng dụng thiết thực trong phương pháp đổi mới tư duy, đổi mới giảng dạy trong đại học để đáp ứng nhu cầu xã hội?! Còn ta vẫn lệ thuộc vào tư duy truyền thống, nệ cổ, hướng về dĩ vãng nhiều hơn là nhìn về phía trước – Cái tương lai nhiều thách thức?!
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
(Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Bình luận (0)