Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thư gửi ba mẹ ở nơi xa…!

Tạp Chí Giáo Dục

Thư gửi ba mẹ ở nơi xa…! - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Thư gửi ba mẹ ở nơi xa…! Audio

Không phải đợi đến mùa Vu lan, con mới nhớ đến ba và mẹ, mà ngày nào con cũng nhớ. Nhớ đến nỗi đi ngang bàn thờ của ba mẹ, con không dám nhìn, vì sợ rằng mình sẽ rớt nước mắt, và như thế, ba mẹ sẽ không an tâm khi ở nơi xa…

Bao la tình cha mẹ dành cho các con. Ảnh: IT

1.Mẹ đã bỏ con ra đi gần 10 năm rồi. 10 năm có lẽ khá dài, nhưng trong lòng con, mẹ lúc nào cũng hiện hữu đâu đó bên cạnh, dõi theo con và âm thầm chia sẻ với con niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống. Mẹ ra đi đột ngột quá, khiến con không sao chấp nhận ngay được rằng, kể từ nay mình chính thức là một đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những ngày cuối cùng con được gần mẹ là lúc mẹ bệnh, nhìn mẹ khó khăn nuốt từng muỗng cháo, tim con như thắt lại, lòng con đau như cắt. Mẹ ra đi ở tuổi 86, người ta gọi là “thọ”, nhưng với con, mẹ lúc nào cũng tươi trẻ, dù mỗi lần thấy tóc mẹ bạc dần đi, con hiểu chuyện gì đến sẽ đến…

Mẹ luôn là tấm gương chịu thương chịu khó và luôn nghĩ đến người khác hơn là mình. Ông bà ngoại mất sớm, dì Ba lấy chồng sớm, mẹ thay cha mẹ, thay chị, lo cho đàn em dại ở quê nhà Bến Tre. Vì lo cho các em, mẹ không nghĩ gì đến chuyện lập gia đình. Nếu ba con không “hăm” sẽ cạo đầu đi tu nếu mẹ không ưng và các bà dì “đốc thúc” thì có lẽ mẹ vẫn chưa chịu lấy chồng. Thời đó, lên xe hoa ở tuổi ngoài 30 tuổi như mẹ là muộn lắm rồi. Vậy mà mẹ vẫn đợi dựng vợ gả chồng hết cho đàn em, rồi mới chịu theo ba “về dinh”!

Ba mẹ lập nghiệp tại Sài Gòn. Con ra đời và lớn lên ở đây. Mẹ sống rất bao dung và hay thương người. Con còn nhớ, thời con học tiểu học, mẹ hay hỏi con trong lớp có đứa nào nhà nghèo thì cho mẹ biết, mẹ giúp nó. Mẹ đặc biệt rất thương bạn của con vì nhà nó đông anh em mà mất mẹ sớm. Tháng nào mẹ cũng “tài trợ” cho các bạn nghèo của con có tiền mua sách vở, quà bánh. Mẹ rất hay “giả vờ”, “giả vờ” no bụng, “giả vờ” mẹ ăn rồi, để nhường món ngon cho con cháu khi thấy chúng ngon miệng.

Mẹ yêu, mẹ không dạy con theo kiểu “con phải thế này, con phải thế kia, nhưng chỉ cần nhìn cách mẹ sống, cách mẹ đối xử với mọi người, con cũng hiểu mình nên làm gì và không nên làm gì! Dẫu rằng, trong cuộc sống, trong công việc, có khi mình vẫn bị người ta chơi xấu, nhưng con bắt chước mẹ luôn lấy cái “tâm” để nhìn sự việc, cố gắng đặt mình vào vị trí của họ, cố gắng mở rộng lòng để mà hiểu họ, bình thường hóa vấn đề.

Mẹ yêu, nhân vô thập toàn, có thể mẹ không là người hoàn hảo ở một mặt nào đó, nhưng với con, mẹ là tất cả, là điểm tựa tinh thần rất lớn cho con. Thế cho nên, sự thiếu vắng mẹ làm cho con vô cùng hụt hẫng. Nhưng con phải cứng cỏi lên, cố gắng sống cho đáng sống, như mẹ của con.

2.Ở ba, con học được một đức tính rất đáng quý, đó là sự hiếu thảo. Ba ra đi ở tuổi 58, con còn nhớ, bà nội đã khóc ngất bên quan tài của ba: “Sao mà đứa con có hiếu nhất lại ra đi sớm vậy nè trời!”.

Ngày chúng con còn nhỏ, tối nào ba cũng dò bài cho chị em con. Mỗi sáng chủ nhật, ba đèo chị em con đi ăn hủ tiếu ở kế rạp Kim Châu, xong rồi vào xem phim. Có lẽ ba mẹ đều ít nói, nên chị em chúng con cũng vậy. Ba thương chúng con, nhưng rất nghiêm khắc với con gái, tuyệt đối không cho rủ rê bạn bè về nhà, vì ba quan niệm: “Ở trường nói chuyện đủ rồi!” Bởi vậy, mới có chuyện con lớn rồi mà vẫn ngu ngơ như con nít. Nhớ lại chuyện này, đến giờ con vẫn còn thấy buồn cười. Con nhớ, hồi học chung lớp với bọn con trai, có “thằng” qua ngồi chỗ con hỏi bài. Khi nó trở về chỗ của nó, con quên, ngồi lên chỗ hồi nãy nó ngồi. Chừng nhớ ra, con về nhà mất ăn mất ngủ, vì cứ tưởng, con gái ngồi lên chỗ con trai thì sẽ bị…” con gì” bò qua rồi… mang bầu khiến cả tuần sau, con cứ lo sợ dòm chừng cái bụng của mình, coi nó có bị… lớn hơn không! Nghĩ lại, thấy ngu ơi là ngu!

Trong tình yêu của con dành cho ba còn có sự thán phục. Con phục ba ở sự học cao hiểu rộng, thành thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa ngữ. Ba kể chuyện hồi học chung với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tại trường Pétrus Ký (trường Lê Hồng Phong, TP.HCM bây giờ) thật là vui. Bởi vậy, con bị “lây” tính thích ngoại ngữ của ba, và sau này, khởi nghiệp viết báo bằng những bài dịch từ báo nước ngoài. Năm bé Út nhà con lên cấp 2 rồi, mà con vẫn còn ham ghi danh học tiếng Nhật, thời Nhật ngữ mới mở trường dạy đầu tiên tại TP.HCM. Tuy là viên chức, nhưng ba rất có máu nghệ sĩ. Ba dạy con hát, dạy con đàn guitar và múa.

Khi viết những dòng này, nước mắt con suýt rơi mấy lần, nhưng con cố kìm nén, vì con muốn ba ở trên cao nhìn xuống, sẽ luôn thấy con luôn vui vẻ để ba thanh thản về cõi Phật!

Minh Tuyn

Bình luận (0)