Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thư gửi cán bộ quản lý giáo dục quận 1

Tạp Chí Giáo Dục

Thưa quý thầy, cô!
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng ta, những người đương thời phải gánh vác trọng trách đó. Tương lai của quốc gia, của dân tộc, hay nói hẹp hơn là của quận 1 và của mỗi gia đình đang phụ thuộc vào chúng ta – quý thầy cô và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quận 1.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng, khả năng phát triển và tương lai của ngành giáo dục quận 1 trong 5-10 năm tới. Từ đó vạch ra chiến lược và tâm huyết để đổi mới phương pháp quản lý cũng như cách thức dạy và học thích hợp để sớm theo kịp với các nước tiên tiến.
Như quý thầy cô đã biết, chúng ta đang chịu ảnh hưởng của phương pháp dạy học truyền thống: đọc – chép – học thuộc lòng – trả bài. Vì vậy, đổi mới là nhiệm vụ sống còn của chúng ta hiện nay. Tôi rất đồng tình với câu nói đầy tâm huyết của thầy Trần Mậu Minh (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn): “Đổi mới hay là chết?”. Ở đây là chết cả tương lai của đất nước, của dân tộc.
Vậy chúng ta phải làm gì? và làm như thế nào? để thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học.
Trước hết, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phải thật sự tâm huyết và truyền lửa tâm huyết đó đến đội ngũ CB-GV-CNV của mình. Làm cho mọi người nhận thức tốt trách nhiệm của mỗi cá nhân trong từng vị trí được phân công. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo phải tạo được sự đoàn kết thống nhất cao trong ban giám hiệu, tập thể hội đồng sư phạm và toàn thể cán bộ nhân viên, coi trọng vai trò của người đứng đầu. Đồng thời xây dựng môi trường làm việc thân thiện, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và cùng cam kết quyết tâm đổi mới.
Thứ hai là phải vạch chiến lược đổi mới, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm, phương pháp dạy và học. Thành lập các câu lạc bộ theo chuyên môn, sở thích, sinh hoạt chuyên đề để các giáo viên truyền kinh nghiệm cho nhau về phương pháp dạy và học; khuyến khích tự học qua sách báo, qua mạng để nâng cao trình độ. Xây dựng kế hoạch đầu tư về trang thiết bị phục vụ cho công tác đổi mới phương pháp dạy và học, đồng thời sửa chữa trường lớp đáp ứng yêu cầu trước mắt.
Thứ ba, lập ban chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy – học, bao gồm những thành phần ưu tú như: hiệu phó chuyên môn, tổ trưởng bộ môn, giáo viên giỏi, những người có uy tín, biết làm công tác tuyên truyền và tâm huyết với sự nghiệp đổi mới. Hiệu trưởng phải là người theo dõi, tạo điều kiện cho ban chỉ đạo hoạt động, tạo khí thế thi đua, động viên khen thưởng kịp thời để cổ vũ cho sự nghiệp đổi mới.
Về phần mình, Ban Chấp hành – Ban Thường vụ Quận ủy sẽ xây dựng chương trình phát triển giáo dục của quận từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. UBND quận và Phòng GD-ĐT sẽ có kế hoạch cụ thể để phát triển giáo dục, trong đó có quy hoạch lại trường lớp theo hướng hiện đại và kế hoạch đầu tư trang thiết bị để phục vụ cho nhu cầu dạy và học trước mắt. Tuy nhiên, các trường cũng phải tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, không chỉ trông chờ có trang thiết bị rồi mới đổi mới.
Tôi hy vọng và tin tưởng rằng: với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, cùng quyết tâm đổi mới và tấm lòng vì đàn em thân yêu, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo của quận 1 sẽ làm nên được điều kỳ diệu trong việc đổi mới phương pháp dạy và học.
Lê Bá Cần
(Bí thư Quận ủy quận 1)

Bình luận (0)