Ngồi trước mặt chúng tôi là sáu đối tượng có tuổi đời rất trẻ, chúng có điểm chung là lười lao động, thích có nhiều tiền ăn chơi. Chúng đã câu kết thành băng nhóm, gây ra nhiều vụ cướp tài sản táo tợn trên địa bàn Hà Nội và Hưng Yên.
Giờ đây, khi đã ngồi trong trại tạm giam, nghe các điều tra viên nói về sự nguy hiểm của hành vi cướp giật trên đường phố, và án tù đang chờ đợi thì các đối tượng mới nhận ra rằng, những lời dạy dỗ của bố mẹ quan trọng đến nhường nào.
Nhóm đối tượng đã từng gây ra nhiều vụ cướp tài sản là Nguyễn Quốc Trường (18 tuổi), Trần Huy Hoàng (20 tuổi), Vũ Văn Trường (22 tuổi), Nguyễn Văn Giang (20 tuổi), Nguyễn Tất Minh (18 tuổi) và Hoàng Thanh Sơn (21 tuổi).
Hoàng có một tiền sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Quốc Trường không có nghề nghiệp, bốn đối tượng còn lại làm nghề lái xe taxi và nhân viên khách sạn.
Cuối tháng 7, nhóm đối tượng này đã bị các trinh sát Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội bắt giữ khi thực hiện hành vi phạm tội.
Theo lời khai của các đối tượng, thời gian qua, bọn chúng đã lang thang trên nhiều tuyến phố, lợi dụng sự sơ hở của những người đi đường để cướp giật. 6 đối tượng bị các trinh sát Đội 8 bắt giữ thuộc hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là Nguyễn Quốc Trường và Trần Huy Hoàng. Nhóm này chuyên thực hiện hành vi cướp điện thoại của khách đang tham gia giao thông trên đường phố.
Nhóm thứ hai gồm Vũ Văn Trường, Giang, Minh và Sơn. Nhóm này chuyên thực hiện hành vi cướp tài sản của lái xe taxi. Bọn chúng thường thuê taxi chở tới các tỉnh giáp ranh Hà Nội. Trên đường đi, bọn chúng dùng hung khí khống chế lái xe và cướp tài sản.
Lúc mới bị bắt, các đối tượng đều có thái độ ngoan cố. Nhưng được sự động viên, cảm hóa của các điều tra viên, cuối cùng hai nhóm đối tượng chuyên cướp tài sản đã dần tỉnh ngộ và lần lượt khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong những ngày nằm ở trại tạm giam, các đối tượng đều thể hiện rõ sự hối hận về những hành vi đã gây ra. Chúng xin giấy bút của các điều tra viên để viết thư cho mẹ.
“Mẹ thân yêu! Con biết con đã làm nhiều điều sai trái. Những tội lỗi mà con đã làm bây giờ con phải nhận lấy hậu quả. Trong những ngày bị tạm giam con đã tỉnh ngộ ra nhiều điều. Con nhớ mẹ, nhớ gia đình quá. Làm sao để con quay lại bây giờ? Mấy ngày qua, không đêm nào con ngủ yên giấc. Hễ nhắm mắt lại, con lại nhớ mẹ và các em. Nhớ bát cơm nóng hổi mẹ nấu. Nhớ những buổi đi chơi mẹ dặn về sớm…
Nhưng bây giờ con kịp nhận ra thì đã muộn rồi. Lúc này đây, con thèm được nghe mẹ mắng đến mức nào. Con là con lớn trong gia đình không lo được gì cho gia đình, mà còn là thằng vứt đi. Mẹ và các em giữ gìn sức khỏe nhé. Cho con xin lỗi vì những gì con đã làm không đúng”. Đây là bức thư mà Nguyễn Quốc Trường viết gửi cho mẹ.
Bức thư thứ hai mà Trần Duy Hoàng viết cho bố mẹ cũng là tiếng nói tự đáy lòng mình. “Con Hoàng đây! Con chẳng biết nói gì hơn là con đã sai quá nhiều. Chính lúc này con mới hiểu ra được không gì bằng tự do, nhưng con đã không nên người và con xin bố mẹ hãy tha thứ cho con vì nhiều khi con đã nghĩ sai về bố mẹ và gia đình. Con biết con sai thì con sẽ sửa. Ở trong này con chỉ luôn mong rằng bố mẹ và gia đình hãy tha thứ cho con…”.
Bắt đối tượng phạm tội khi chúng luôn lẩn trốn đã là một việc khó. Nhưng giúp đối tượng phạm tội tự nguyện nhận tội lại càng khó hơn. Đồng chí Đội trưởng Đội 8 tâm sự, để đối tượng thành khẩn nhận tội không phải là chuyện một sớm một chiều. Để làm được điều đó, các điều tra viên không chỉ dựa trên pháp luật mà còn phải dùng tình cảm, lý trí để thu phục đối tượng.
Khi đã cảm hóa được đối tượng phạm tội bằng cái tình thì vụ án đó dù khó khăn đến mấy cũng tìm được nút gỡ. Và quan trọng hơn nữa là người cán bộ Công an trực tiếp làm án sẽ giúp đối tượng phạm tội có cơ hội hoàn lương sớm nhất
Theo Nguyễn Hưng – Trung Hiếu (Công an Nhân dân)
Bình luận (0)