Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thu hẹp đất nông nghiệp: Nguy cơ

Tạp Chí Giáo Dục

Con số thống kê của Bộ Xây dựng cho biết: Từ năm 1999 đến 2011, Việt Nam có thêm 126 khu đô thị, nâng tổng số đô thị cả nước lên 755 khu. Tỷ lệ đô thị hóa trong hơn 10 năm đã tăng lên 10%. Trong đó dân số tăng 42%, từ 18,3 triệu lên 26 triệu người.

Cứ theo tốc độ hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo: Đến năm 2040, tốc độ đô thị hóa Việt Nam sẽ đạt mức 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay và số dân đô thị tăng thêm 20 triệu người. Các doanh nghiệp đổ xô về các địa phương xin đất làm đô thị, nhà ở, chủ yếu là đất nông nghiệp vì tiền đền bù giải phóng mặt bằng thấp. Chính quyền địa phương thì muốn tăng trưởng, thu ngân sách tăng nên ai xin cũng cho. Kết quả là diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp một cách đáng báo động.

Không chỉ lạm phát đô thị, tình trạng các địa phương đổ xô làm dự án các khu công nghiệp cũng đang ở mức báo động. Hiện cả nước có 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000ha. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ từ năm 2011 đến 2015, tầm nhìn đến 2020 càng khiến dư luận băn khoăn. Theo quy hoạch này, số lượng các khu công nghiệp tăng chóng mặt. Dự kiến năm 2020 cả nước sẽ có 558 khu công nghiệp với tổng diện tích 200.000ha, nghĩa là tăng thêm 128.000ha.

Điều đáng lo hơn: tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp rất thấp. Cao nhất chưa quá 45%, trung bình là 30%, thậm chí chỉ 20%. Đó là lý do khiến quy hoạch treo diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương và nhiều khu công nghiệp chỉ là bãi cỏ hoang để… nuôi bò. Khu công nghiệp lấn đất lúa, kể cả nơi bờ xôi ruộng mật làm nông dân mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gây ra khiếu kiện kéo dài, làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền. Chỉ với việc duy trì các khu công nghiệp hiện tại, theo nhiều chuyên gia, cũng phải mất… 50 năm mới có thể lấp đầy. Đó là chưa kể, cả nước hiện có 15 khu kinh tế ven biển với diện tích 630.000ha và 28 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích 500.000ha, tỷ lệ sử dụng đất chỉ đạt 15%.

Không thể phủ nhận đô thị hóa là quy luật của phát triển. Xây dựng các khu công nghiệp cũng là một nhu cầu nội tại để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Và sự thật, việc ra đời nhiều khu đô thị mới, nhiều khu công nghiệp đã và đang thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm bộ mặt đất nước khang trang hơn. Nhưng sự phát triển tùy tiện, quy hoạch thiếu khoa học đã dẫn đến tình trạng tràn lan đô thị tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó nhiều diện tích ruộng đất đã bị chiếm dụng, bỏ hoang lãng phí. Một con số thống kê nhức nhối: hiện có trên 2.450 tổ chức để hoang hóa tới 250.000ha đất nhà nước giao, cho thuê. Trong đó, riêng các dự án treo đã chiếm tới 40.000ha. Một sự lãng phí khủng khiếp.

Cho đến nay nước ta vẫn là nước nông nghiệp. Sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó có xuất khẩu gạo vẫn là một thế mạnh. Nhưng với tốc độ đô thị hóa kiểu này, ai dám đảm bảo thế mạnh ấy sẽ được bảo tồn. Cùng với nguy cơ về biến đổi khí hậu, việc thu hẹp đất nông nghiệp do đô thị hóa vô tổ chức đã trở thành một nguy cơ nhãn tiền, không chỉ là mất an ninh lương thực mà còn đe dọa đến cuộc sống hàng chục triệu nông dân, sẽ gây những bất ổn xã hội khó lường.

Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp nông dân và nông thôn đặt “tam nông” là vấn đề chiến lược hệ trọng của đất nước và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Quyết tâm chính trị này phải được đi vào cuộc sống, trong đó có một việc không thể không làm là quy hoạch lại việc sử dụng đất một cách khoa học.

Dương Trọng Dật

(SGGP)

Bình luận (0)