Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Thu hẹp khoảng cách giữa ba mẹ và con cái” được TP.HCM chọn đi thi NCKH cấp quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố 4 đề tài đại diện cho TP.HCM tham dự cuộc thi NCKH cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 3-2024. Trong đó, Giải mã Gen Z: Thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa Gen Z và cha mẹ trong thời đại số tại TP.HCM của Trường THPT Trưng Vương là đề tài duy nhất về lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi được lựa chọn.


Nhóm đề tài Giải mã Gen Z

3 đề tài khác gồm 2 đề tài của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Khảo sát hoạt tính sinh học từ cao chiết lá, hạt cây nhãn (Dimocarpus longan), định hướng tạo kem dưỡng chống nắng thuộc lĩnh vực hoá sinh và phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống; Dự án phát triển cảm biến tự cấp nguồn dựa trên công nghệ Teng hướng đến chế tạo thiết bị phục hồi chức năng của Trường THPT Gia Định thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, vượt qua 60 đề tài ở vòng thi thành phố, các đề tài được lựa chọn thi quốc gia đều thiết thực, thể hiện được sự quan tâm của học sinh về các vấn đề gần gũi với lứa tuổi, cuộc sống hành ngày của các em, bằng những kiến thức đã học để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Gen Z được tính là những người trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012. Với đề tài Giải mã Gen Z, nhóm nghiên cứu gồm 2 học sinh lớp 11A13 Trường THPT Trưng Vương là Lê Mỹ Trân và Nguyễn Dương Hải Triều, đã làm một khảo sát trên 250 học sinh THCS, THPT, sinh viên đại học và người đi làm về tính cách, sở thích và ước mơ, thời trang, công nghệ và giao tiếp ứng xử. Đồng thời khảo sát thêm 250 phụ huynh của Gen Z. Kết quả cho thấy:

– Về tính cách: 58% Gen Z dễ giao tiếp; 37% có cá tính mạnh mẽ; 43,2% cảm thấy ba mẹ không hiểu mình; 22,8% xảy ra tranh cãi với ba mẹ.

– Về sở thích: 86% Gen Z thích nghe nhạc; 74,4% sử dụng mạng xã hội; 49,2% ba mẹ góp ý khuyên con sửa đổi sở thích; 10,8% ba mẹ hoàn toàn không ủng hộ sở thích của con.

– Về sử dụng công nghệ: 38% Gen Z dành hơn 4h/ngày cho mạng xã hội, xem công nghệ là nguồn sống; 44% ba mẹ thấy con sử dụng thiết bị điện tử nhiều; 12% cảm thấy con đang “nghiện” công nghệ; 50% cha mẹ cằn nhằn khi con sử dụng và 25,2% phạt tịch thu điện thoại của con.

Đặc biệt, 32% Gen Z xảy ra tranh cãi với ba mẹ về phong cách thời trang, trong đó 18,4% lựa chọn không thay đổi; 41,6% Gen Z luôn gặp vấn đề với ba mẹ trong giao tiếp, ứng xử, 70% luôn cảm thấy áp lực; 27,6% Gen Z hiếm khi chia sẻ với ba mẹ, 10% chưa bao giờ chia sẻ.


Ông Nguyễn Bảo Quốc- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá 4 đề tài được chọn lựa thi quốc gia đều rất thiết thực, gần gũi với học sinh

Là 1 Gen Z, Lê Mỹ Trân – cho biết bản thân gặp áp lực do ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, có kỳ vọng vượt quá khả năng. Ba mẹ muốn em biết chơi thể thao, đi bơi nhưng em lại thích đọc sách, tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội. Môn toán không phải thế mạnh nhưng ba mẹ lại mong muốn lúc nào em cũng đạt điểm 9, 10.

Trân kể, ba mẹ thường đo năng lực của mình bằng điểm số. Có khi điểm cả quá trình đạt tốt nhưng ba mẹ chỉ nhìn vào một con điểm chưa đạt để phàn nàn, đánh giá. Điều này khiến em cảm thấy những nỗ lực không được ghi nhận. Có những ngày đi học không có niềm vui, nhất là gần đến kỳ thi vì sợ kết quả đạt được không được như kỳ vọng sẽ khiến ba mẹ buồn…

Trong đề tài, nhóm nhiên cứu đã xây dựng 2 nhóm giải pháp chính để thu hẹp khoảng cách giữa Gen Z và ba mẹ, bao gồm: Cẩm nang về những tình huống mà bản thân Gen Z thường xuyên gặp phải với ba mẹ. Đây được xem là lời tự sự của Gen Z giúp ba mẹ hiểu thêm về mình; Mô hình kênh kết nối giữa các thành viên trong gia đình tận dụng từ các nền tảng số như Zalo, Messenger…

“Không chỉ có Gen Z đòi hỏi ba mẹ phải thấu hiểu mình mà Gen Z cũng phải chủ động để tìm tiếng nói chung với ba mẹ” – nhóm nghiên cứu nhìn nhận.

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Mai Liên (giáo viên chủ nhiệm lớp 11A13), đồng hành cùng nhóm nghiên cứu đánh giá, khoảng cách giữa ba mẹ và con cái đang ngày càng lớn. Ba mẹ dành tình yêu thương quá nhiều nhưng lại chưa hiểu con, dẫn đến kỳ vọng và áp đặt. Những bất đồng trong suy nghĩ, việc ba mẹ không có nhiều thời gian lắng nghe con, khiến các em khó chia sẻ với ba mẹ. Thay vào đó, sẽ tìm đến bạn bè, thầy cô, thậm chí là bạn bè “ảo” trên mạng xã hội thông qua các hội, nhóm dù không hề quen biết. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cô nêu ví dụ, nhiều học sinh có sở thích mặc trang phục phi giới tính song ba mẹ lại cấm cản. Có trường hợp học sinh rất thích tham gia các hoạt động phong trào, là lớp phó học tập nhưng ba lại liên hệ với giáo viên yêu cầu không cho con tham gia. Có em do không tìm được tiếng nói chung với ba mẹ đã rơi vào trầm cảm, stress kéo dài, học hành sa sút….

“Đề tài là cơ hội để mỗi học sinh nhận diện, hiểu thêm về bản thân, từ đó có cái nhìn thấu hiểu hơn với ba mẹ, để các em cũng chủ động hơn tâm sự, thổ lộ với ba mẹ của mình. Từ đó sẽ làm cho ba mẹ và con hiểu nhau hơn…” – cô Mai Liên đánh giá.

Yến Hoa

Bình luận (0)