Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thu học phí theo gói, lợi hay thiệt cho sinh viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi phần lớn các trường đại học thu học phí theo đơn giá tín chỉ thì một vài trường lại thu theo gói.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ học. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Các trường ĐH công lập hiện đang thu học phí (HP) dựa vào Nghị định 86/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Theo nghị định này, mức trần HP trình độ ĐH được tính theo đơn vị tháng, trường ĐH thu HP 10 tháng/năm. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học chế tín chỉ, có thể quy đổi để thu theo tín chỉ, song tổng số tiền thu của cả khóa học không được vượt quá mức thu quy định theo năm học.
Từ nghị định này, hiện nay hầu hết các trường ĐH đào tạo theo học chế tín chỉ thu HP theo đơn giá tín chỉ được quy đổi từ mức trần quy định. Ở từng học kỳ, người học đóng tiền dựa vào số lượng tín chỉ thực tế mình đăng ký. Sau toàn bộ khóa học, tổng số tiền người học phải đóng theo tín chỉ không vượt quá mức trần quy định.
Tuy nhiên, một số trường dù đang đào tạo theo tín chỉ nhưng thu HP theo gói. Các sinh viên (SV) dù đăng ký số lượng tín chỉ khác nhau đều phải đóng một mức HP cố định theo học kỳ. Với cách thu theo gói này người học được lợi hay chịu thiệt hơn so với quy định HP của nhà nước?

Đào tạo tín chỉ nhưng thu học phí theo năm học

Ví dụ cho cách thu HP theo gói này phải kể đến Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Theo thông báo mức thu năm 2019 – 2020, SV chương trình đại trà khóa từ năm 2018 trở về trước HP tính theo đơn giá tín chỉ, với 320.000 đồng/tín chỉ, SV học bao nhiêu tín chỉ thì đóng bấy nhiêu tiền. Nhưng từ khóa 2019, SV sẽ đóng theo gói với mức thu 5,3 triệu đồng/học kỳ cho từ 9 – 17 tín chỉ. Như vậy SV đăng ký tối đa tín chỉ theo gói này thì sẽ được lợi. Nếu đăng ký từ tín chỉ 18 trở đi, các môn học lại, môn giáo dục thể chất thì SV sẽ đóng theo quy định 320.000 đồng/tín chỉ. Ngoài ra, còn có gói HP thấp hơn cho SV đăng ký 8 tín chỉ trở xuống với mức trên 2,6 triệu đồng.

Sinh viên học nhanh rút ngắn thời gian sẽ đóng học phí ít hơn. Điều này khác hẳn so với việc thu học phí theo từng đơn giá tín chỉ, sinh viên ra trường sớm vẫn phải đóng đủ tổng số tiền toàn khóa học. Cách làm này là khuyến khích sinh viên giỏi và tốt nghiệp sớm

PGS-TS Vũ Đức Lung
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã thực hiện thu HP theo gói từ nhiều năm nay.

Quy định trường này cho phép SV đăng ký từ 14 – 24 tín chỉ/học kỳ, những SV giỏi có điểm trung bình chung đạt 8.0 trở lên học kỳ trước được đăng ký tối đa 30 tín chỉ. Đáng nói, trong phạm vi tín chỉ này dù SV đăng ký 14 hay 30 tín chỉ thì mức thu trọn gói vẫn chỉ là 5,3 triệu đồng/học kỳ. Còn SV đăng ký dưới 14 tín chỉ vẫn phải đóng trọn gói một học kỳ chính là 10,6 triệu đồng.

Khuyến khích sinh viên học đúng tiến độ

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết quy định thu HP trọn gói bắt đầu được áp dụng từ khóa 2019. Ở trường này, với HP cứng 5,3 triệu đồng, SV được học tối đa 17 tín chỉ/học kỳ. Theo ông Thắng, nếu so với chương trình đào tạo hiện hành, để đúng tiến độ ra trường SV cần học 16 tín chỉ/học kỳ trong 4 năm để đạt 128 tín chỉ toàn khóa học, thì SV đăng ký học đủ 17 tín chỉ mỗi học kỳ sẽ có 7 tín chỉ được học miễn phí. “Như vậy, với các SV học tối đa tín chỉ được phép, việc thu HP theo gói sẽ có lợi hơn”, ông Thắng nhận định.
Nhưng với những SV không đăng ký đủ số tín chỉ tối đa thì sẽ bị thiệt. Vì khi đó SV phải đóng 5,3 triệu đồng nhưng có thể chỉ học 9 tín chỉ (thay vì 17 tín chỉ tối đa). Giả sử người học chỉ đăng ký số tín chỉ này trong nhiều học kỳ thì thời gian học tập kéo dài, HP phải đóng cao hơn nhiều so với người học đúng hoặc vượt tiến độ.
Theo ông Thắng, mục tiêu chính của hình thức thu HP mới là khuyến khích SV học tập đúng tiến độ để ra trường. Trên thực tế sẽ khó có trường hợp thí sinh đăng ký dưới 14 tín chỉ/học kỳ vì theo quy chế đào tạo tín chỉ hiện hành, số tín chỉ đăng ký tối thiểu mỗi học kỳ cần đạt từ 14 trở lên. Dưới mức này, SV sẽ bị xem xét xử lý cảnh báo học vụ.
PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho biết hình thức thu HP này lợi hay thiệt hơn là do bản thân SV. Ông Lung nói: “SV có học lực trung bình sẽ không bị ảnh hưởng, SV giỏi thì có lợi nhiều vì cũng số tiền 5,3 triệu đồng/học kỳ nhưng được học tới 30 tín chỉ. Khi đó, SV học nhanh rút ngắn thời gian học sẽ đóng HP ít hơn. Điều này khác hẳn so với việc thu HP theo từng đơn giá tín chỉ, SV ra trường sớm vẫn phải đóng đủ tổng số tiền toàn khóa học”.
Tuy nhiên, theo ông Lung, ngược lại những SV học tệ, bị nợ nhiều môn sẽ thiệt hơn vì dù chỉ đăng ký môn học mới 1 tín chỉ trong học kỳ đó vẫn phải đóng đủ 5,3 triệu đồng.
“Do vậy, cách làm này là khuyến khích SV giỏi và tốt nghiệp sớm”, ông Lung lý giải.

Theo Hà Ánh/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)