Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Thu hồi, xử lý xe máy cũ nát, hết đát: Nên hỗ trợ người nghèo tự nguyện giao nộp xe

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là ý kiến của luật sư Lê Quang Vũ, Phó Trưởng văn phòng luật Người Nghèo TP.HCM và cũng là nguyện vọng của người lao động có hoàn cảnh khó khăn, khi chuẩn bị tiến tới chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng (còn gọi xe hết “đát”) vào ngày 1-1-2018.

Việc thu hồi xe máy cũ nát sẽ góp phần đảm bảo ATGT và bảo vệ môi trường

Mỗi người mỗi cảnh

Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg, trong phạm vi cả nước sẽ thực hiện thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn, trong đó có xe máy cũ nát, hết đát. Khi biết được thông tin này, đa phần người sử dụng vẫn đang trong tâm thế “tới đâu hay tới đó”, nên chưa có kế hoạch “chia tay” chiếc xe cũ kỹ. Chạy chiếc xe không thể “cùi” hơn, chỉ còn trơ cái khung sắt di động, biển số mờ câm, không còn dè xe, không còn đèn đóm, chỉ có khói ở pô xe thì lúc nào cũng thường trực, anh Hùng cho biết đã sử dụng chiếc xe này từ lâu để giao nước đá ở khu vực quận 10. “Tôi biết xe này không đảm bảo an toàn, bị cấm lâu rồi, nhưng thôi thì cứ chạy đại, khi nào gặp công an thì bỏ luôn, chứ giờ lấy tiền đâu sắm xe tốt”.

Mới mua chiếc xe Dream cũ với giá 2 triệu được vài tháng nay để làm phương tiện thu mua đồ cũ, giờ biết được thông tin thu hồi xe cũ, ông Trần Văn Hưng (ngụ quận 12) cảm thấy hơi buồn: “Nghĩ là mua đồ ve chai nên chạy xe cà tàng cho nó đỡ phí. Với lại thực tình thì hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn lắm, ở quê trồng ruộng không đủ ăn, nên vào đây kiếm cái kế sinh nhai qua ngày. Thôi thì đành cố gắng trong 9 tháng còn lại”. Tuy nhiên, điều ông Hưng quan tâm hơn là đến lúc bắt đầu thực hiện việc thu hồi, nếu ông có ý định tự nguyện giao nộp xe, thì sẽ đưa phương tiện đến đâu. Ông cũng mong cầu “được hỗ trợ kinh phí để chuyển nghề, vì nay đã ngoài 60 tuổi, xin đi làm thuê gì cũng khó”.

Theo luật sư Lê Quang Vũ, Phó Trưởng văn phòng luật Người Nghèo TP.HCM, khi thực hiện thu hồi, phương tiện xe máy cũ không đủ điều kiện lưu thông, Nhà nước chỉ nên xem xét hỗ trợ đối với những trường hợp lao động nghèo có thiện chí tự nguyện giao nộp xe. Ngược lại, Nhà nước không có trách nhiệm hỗ trợ tất cả các phương tiện bị thu hồi, vì thực tế vẫn đang tồn tại tình trạng nhiều cá nhân, tiểu thương hoặc doanh nghiệp sử dụng xe máy cũ nát để vận chuyển hàng hóa, khi bị CSGT thổi phạt thì thường “bỏ của chạy lấy người”.

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg đã điều chỉnh thời điểm phải thực hiện việc thu hồi, xử lý đối với các nhóm sản phẩm thải bỏ khác nhau cho phù hợp với thực tế hiện nay của Việt Nam cũng như năng lực của các nhà sản xuất, đảm bảo tính thực tế và khả thi của quy định. Theo đó, từ ngày 1-1-2018 sẽ thu hồi và xử lý đối với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại không sử dụng được thải bỏ. Từ 1-7, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại…

Nhằm tạo sự đồng thuận từ phía người dân đối với việc thực hiện thu hồi xe máy hết đát, một số ý kiến cho rằng các địa phương nên tăng cường công tác thống kê, rà soát số lượng phương tiện cũ nát. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp phương tiện, góp phần đảm bảo ATGT và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, Nhà nước cần có phương án hỗ trợ giúp người lao động có thể mua sắm phương tiện đảm bảo an toàn trong khả năng cho phép, hoặc đào tạo và giới thiệu việc làm phù hợp.

Nhà sản xuất và người sử dụng đều có trách nhiệm

Thạc sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường – Tổng cục Môi trường lưu ý, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình, khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất, tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu… Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất, đồng thời lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định…

Thạc sĩ Nguyễn Thượng Hiền khẳng định, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen phân loại và thải bỏ chất thải rắn phù hợp của người tiêu dùng; tạo điều kiện cho ngành công nghiệp môi trường phát triển và tiết kiệm nguồn tài nguyên vốn hữu hạn; khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công tại các làng nghề đang gây tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất đối với cộng đồng và môi trường, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)