Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27-12-2016 của Thành ủy Cần Thơ về thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước (2016-2020), TP đạt tổng vốn đầu tư 280.080 tỷ đồng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, trong đó đầu tư ngoài Nhà nước chiếm tỷ lệ 77,7%…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I giúp đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL
Thu hút 122 dự án trong và ngoài nước
Từ năm 2016 đến nay, Cần Thơ đã thu hút 50 dự án vốn trong nước (ngoài khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư khoảng 44.821,11 tỷ đồng; 27 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 124,32 triệu USD. Các khu công nghiệp thu hút 38 dự án vốn trong nước, 7 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 407,11 triệu USD.
Việc huy động và sử dụng tương đối hiệu quả các nguồn vốn đầu tư giúp tăng trưởng kinh tế TP.Cần Thơ (GRDP) tăng bình quân 7,53%/năm. Quy mô nền kinh tế ước đạt 120.000 tỷ đồng (năm 2020), gấp 1,45 lần so với năm 2016. GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng (năm 2020), gấp 1,48 lần so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Tính đến cuối năm 2020, tỷ trọng khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,24%, giảm 2,02% so với năm 2016; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 32,71%, tăng 0,33%; khu vực dịch vụ chiếm 60,05%, tăng 1,69%.
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – nhấn mạnh, để đạt được kết quả này, TP đã quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thông qua thực hiện các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN, các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng tín dụng lãi suất hợp lý. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và hình thành mạng lưới liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST). TP.Cần Thơ hiện có 14 tổ chức trung gian có các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; 2 quỹ đầu tư và phát triển khởi nghiệp được thành lập. TP đã đưa vào vận hành mô hình không gian KN-ĐMST tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ. Nhiều không gian hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện làm việc chung được hình thành, giúp kết nối hoạt động KN-ĐMST cho sinh viên, DN và những dự án Startups mới tại TP…
Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Cần Thơ xếp hạng 11/63 tỉnh, thành; đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công được công bố hàng năm, Cần Thơ đều đạt số điểm nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành có điểm số cao nhất nước… Thời gian cấp đăng ký DN từ 7 ngày giảm còn 3 ngày, 100% hồ sơ được xử lý trước và trong hạn. Tỷ lệ đăng ký DN qua mạng từ 1,22% (năm 2016) lên 42,9% (năm 2020).
Còn nhiều dự án có quy mô nhỏ
Đó là thừa nhận của ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ.
Ông Hiểu cho rằng, chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực đầu tư ngoài Nhà nước, đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Một số dự án có tiến độ triển khai chậm so với chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư.
Và theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan đến thu hút đầu tư… Đơn cử, vướng mắc về quy định trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; các dự án có phần đất công do Nhà nước quản lý xen kẹt trong tổng diện tích đất của dự án chưa được hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm. Phần lớn các nhà đầu tư mong muốn được ưu đãi về đất đai; tiếp cận tín dụng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tuy nhiên những chính sách này không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương. Do vậy dù lãnh đạo TP tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN, nhà đầu tư nhưng những khó khăn cơ bản về vốn, về đất đai chưa được giải quyết triệt để…
Ông Lê Quang Mạnh – Bí thư Thành ủy Cần Thơ – cho biết: “TP sẽ đẩy mạnh và hoàn thành công tác lập Quy hoạch phát triển TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để giải quyết nhu cầu nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư. Lập kế hoạch, triển khai chương trình phát triển nhà ở… TP sẽ kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách hiệu quả. Từng bước tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và khu công nghiệp các tỉnh khác, để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng và liên vùng; góp phần giúp các nhà đầu tư triển khai dự án thành công, đồng thời là cơ sở để Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế”. |
Ông Lê Quang Mạnh – Bí thư Thành ủy Cần Thơ – chỉ rõ: “Sự đồng bộ, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, sở, ngành, địa phương trong thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư theo quy định, luật định, đôi khi thiếu chặt chẽ hoặc không thấy được sự năng động, nhiệt tình trong thu hút, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho công trình, dự án nói chung, liên quan các nguồn vốn thu hút đầu tư nói riêng chậm, thiếu đồng bộ, chưa giải quyết căn cơ về bố trí tái định cư khi hộ dân bị ảnh hưởng có nhu cầu theo quy định. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng mà còn gây bức xúc cho người dân vùng dự án, tạo dư luận không tốt cho TP và lãng phí trong vốn đầu tư”.
Để tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước vào TP, lãnh đạo Cần Thơ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và xác định nhiệm vụ thu hút đầu tư ngoài ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Đan Thơ
Bình luận (0)