Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản của cả nước nhưng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ở ĐBSCL đến thời điểm này vẫn chưa thoát “vùng trũng”. Giai đoạn 1993 – 2014, tổng giá trị vốn ODA cho ĐBSCL đạt khoảng 5,7 tỷ USD, chiếm 8,2% so với tổng nguồn vốn ODA của cả nước; trong đó, các dự án ODA đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 500 triệu USD; vốn FDI trong vùng cũng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nông nghiệp yếu, tăng trưởng chậm
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính đến tháng 9-2014, toàn vùng ĐBSCL có 903 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đầu tư đăng ký hơn 11,8 tỷ USD, chiếm gần 5,3% về dự án và 4,9% về vốn đăng ký đầu tư cả nước. Trong đó, chỉ có 52 dự án đầu tư trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp – thủy sản, vốn đăng ký 242,5 triệu USD. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng không cao và đang có xu hướng chững lại. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng trên dưới 8%, giảm so với cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu chuyển dịch chậm, nông – lâm – ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm tới hơn 35,3%.
Nguyên nhân chính của tăng trưởng kinh tế chưa bền vững là đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản bấp bênh do quy hoạch và phát triển sản phẩm thiếu chiến lược, tiếp cận thị trường khó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải) yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, vùng nguyên liệu chưa được đầu tư bài bản… khiến thu hút đầu tư vào vùng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn FDI.
Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, để thu hút đầu tư, ĐBSCL cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; phải có quy hoạch vùng nguyên liệu đồng bộ gắn với nhà máy và có chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh tế…
Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2015 là phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung cả nước.
Tháo nút thắt để đón đầu tư
Trong bối cảnh đó, một tín hiệu đáng mừng là, gần đây, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc… tới tham quan, khảo sát tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL. Đặc biệt, đầu tháng 10-2014, các doanh nhân Nhật Bản đã có chuyến nghiên cứu và làm việc với tỉnh Đồng Tháp, khẳng định quyết tâm chọn ĐBSCL là điểm đến đầu tư sắp tới.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyễn Dũng
Là tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ 3 cả nước, Đồng Tháp đang có kế hoạch hình thành khoảng 10.000 ha chuyên canh lúa theo mô hình cánh đồng lớn, dọn đường cho vốn ngoại từ Hàn Quốc vào đồng lúa địa phương. Các chuyên gia nhận định, đang có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và sự quan tâm của các quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hàn Quốc, Đài Loan đối với ĐBSCL.
Nông nghiệp đang là “vùng trũng” đầu tư nước ngoài. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sắp tới, lĩnh vực này không chỉ đóng vai trò là “chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế” như trong thời điểm khó khăn vừa qua, mà còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, cần tháo gỡ các nút thắt thể chế, kết nối cung cầu, đẩy nhanh hơn nữa tiến bộ khoa học – công nghệ và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp.
Việc các đại gia ngân hàng, bất động sản trong nước đổ cả tỷ USD cho các dự án nông nghiệp, chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực này bằng các dự án nghiêm túc là tín hiệu đáng mừng cho bước “lột xác” đầu tư. Hiện các tỉnh ĐBSCL đang giới thiệu hơn 100 dự án kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, để việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL có hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương không chỉ cần thay đổi cách làm mới, năng động, cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, mà cần phải liên kết vùng và chủ động, tích cực chuẩn bị là yêu cầu quan trọng.
“Liên kết 4 nhà” để nông nghiệp ĐBSCL phát triển đột phá Hội thảo khoa học “Tạo mối liên kết 4 nhà, tạo chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho ĐBSCL” đã diễn ra tại Cần Thơ vào sáng 9-11. Tham dự, có hàng trăm điển hình sáng tạo nông nghiệp, các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp đầu ngành… Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng thương hiệu độc quyền chỉ dẫn địa lý như: vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ri 6 Cái Mơn, khoai lang Bình Tân, gà ta Gò Công… Tuy nhiên, đầu tư cho khoa học nông nghiệp tại ĐBSCL còn hạn chế, hiệu quả thấp, sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. Vì vậy, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển, cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông) để nông nghiệp ĐBSCL phát triển đột phá, xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn hiện đại, theo hướng cạnh tranh của hội nhập quốc tế, nhất là trước ngưỡng cửa Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới. Dịp này, ban tổ chức đã làm lễ tôn vinh “Điển hình sáng tạo nông nghiệp Việt Nam” cho Top 100 cá nhân và doanh nghiệp đã có những thành tích về đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp Việt Nam năm 2014. |
HÀM LUÔNG – HIỆP THỦY
(SGGP)
Bình luận (0)