Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thu hút FDI: Việt Nam chờ đón “con cá lớn”

Tạp Chí Giáo Dục

25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cũng đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, việc Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc quyết định đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, cụ thể là quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung tại Thái Nguyên, cung ứng 60% sản lượng điện thoại của Samsung cho thị trường toàn cầu đã mở đường cho một lộ trình, sức lan tỏa mới để Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

Kỳ vọng “bắt con cá lớn”

Tại Hội thảo Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài do Bộ KH-ĐT tổ chức tại TPHCM vào tháng 1-2014, GS-TS Nguyễn Mại cho rằng, chúng ta phải ghi nhận sự hiện diện, đóng góp tích cực của các nhà đầu tư (NĐT) FDI cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta cần phải nhìn nhận, đó là phần lớn các NĐT đã vào Việt Nam là NĐT vừa và nhỏ ở châu Á.

Và tỷ lệ này ngày một tăng, trước đây chỉ khoảng 35%, nay chiếm 50% là NĐT ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Đó có thể là một trong những nguyên nhân mà đã có nhiều ý kiến đánh giá không tích cực về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua; Việt Nam là điểm đến của công nghệ lạc hậu, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI chuyển giá, trốn thuế, thao túng thị trường…

Sản xuất thiết bị đọc mã vạch tại Nhà máy Datalogic Sacanning (Hoa Kỳ) trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Bộ KH-ĐT, trong năm 2013, cả nước có 1.275 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư,với tổng vốn đăng ký 14,27 tỷ USD và 472 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 7,3 tỷ USD. Riêng trong đó có 8 dự án lớn đã chiếm 56% tổng vốn đầu tư. Tính cả cấp mới và tăng vốn, các NĐT FDI đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 21,6 tỷ USD, tăng gần 55% so với năm 2012. Vốn đầu tư thực hiện trong năm 2013 ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012.
Rõ ràng, các dự án FDI lớn vào Việt Nam còn quá ít. Việt Nam phải chào mời được tốp 500 tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Có được như vậy thì việc thu hút FDI vào Việt Nam mới thật sự có bước đột phá. Những dự án lớn, (dự án nguồn không phải gia công, lắp ráp) như Samsung là những dự án công nghệ cao mà Việt Nam mong chờ rất lâu mới có được và những dự án như thế này hiện vẫn còn quá ít.

Sau cái tên Intel, phải đợi một thời gian dài, việc Samsung quyết định đặt nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới tại Việt Nam, cung ứng 60% thị phần tiêu thụ toàn cầu của Samsung đã mở ra sự kỳ vọng cho thu hút FDI của Việt Nam cho thời gian tới.

Từ việc thu hút được sự quan tâm của những tập đoàn kinh tế lớn, Việt Nam mới tạo được tác động lan tỏa, thu hút được sự quan tâm của nhiều NĐT lớn, để lựa chọn được những NĐT tốt hơn vào Việt Nam đầu tư. Vì những tập đoàn lớn không bao giờ đi đơn lẻ mà kéo theo đó là chuỗi sản xuất cung ứng đi kèm.

Phát triển KCN chuyên ngành

Ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những điểm yếu, tồn tại, tạo sức ì rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam, là nguyên nhân làm hạn chế thu hút các NĐT FDI lớn vốn cần chuỗi cung ứng đi kèm. GS-TS Nguyễn Mại nhận xét, Việt Nam nên hạn chế phát triển khu công nghiệp (KCN) đa ngành như hiện nay.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để phát triển công nghiệp phụ trợ, phải có KCN chuyên ngành. Có như vậy thì mới thu hút được những dự án FDI lớn.
Vào thời điểm cuối năm 2013, liên tục có nhiều đoàn DN Italia đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Trong đó, có đoàn DN từ vùng Emilia – Romagna của Italia, nơi được xem là vùng giàu có nhất ở Italia và cả châu Âu. Và điều đặc biệt, Emilia – Romagna là vùng mà hầu hết những tên tuổi, thương hiệu xe hơi nổi tiếng thế giới của Italia đều đặt trụ sở và sản xuất ở đây.

Ông Carlo Alberto Roncarati, Phó Chủ tịch các phòng thương mại Italia, Chủ tịch các phòng thương mại vùng Emilia – Romagna cho biết, mô hình phát triển KCN, KCN chuyên ngành khá thành công ở vùng này và đây có thể sẽ là một mô hình mà DN Italia lựa chọn đầu tư tại Việt Nam.

Tại Emilia – Romagna, ngành công nghiệp ô tô đã rất phát triển nhờ vào mô hình này. Mỗi DN trong cụm sẽ sản xuất một sản phẩm nhỏ chuyên biệt, kết hợp lại cấu thành một sản phẩm hoàn chỉnh, điều này sẽ giúp giá thành rẻ hơn vì không phải mất nhiều khoản chi phí vận chuyển…

Bà Palma Costi, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp vùng Emilia – Romagna, cho biết vùng đã đưa Việt Nam vào danh sách điểm đến ưu tiên hàng đầu mà DN trong vùng lựa chọn khi dịch chuyển hoặc đầu tư ra nước ngoài. Hiện vùng đã có những chính sách để hỗ trợ DN đầu tư vào Việt Nam. DN Italia đã sẵn sàng, Việt Nam sẽ đón một làn sóng đầu tư mới từ Italia.

Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý chọn KCN Phú Mỹ 3 ở Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng KCN chuyên sâu Việt Nam – Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu của các NĐT Nhật Bản. KCN chuyên sâu này dự kiến sẽ thu hút các DN quy mô lớn, công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong khi nhiều nước ASEAN đã cải thiện được môi trường đầu tư tạo nên sự hấp dẫn đối với NĐT thế giới thì nhiều yếu tố của môi trường đầu tư ở Việt Nam, nhất là hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các NĐT lớn.

Để các NĐT lớn lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến thì nhất định Việt Nam cần phải thay đổi trên diện rộng và hoàn thiện nhiều hơn cho chính sách đầu tư. Việt Nam đã nhìn thấy được những hạn chế này và đang rất nỗ lực cải thiện để có được bước đột phá cho thu hút FDI trong thời gian tới. Và điều mà NĐT quan tâm lúc này, đó là việc cải tiến sẽ diễn ra nhanh hay chậm?

MỸ HẠNH (SGGP)

Bình luận (0)