Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thu hút khách du lịch: Chiến dịch giảm giá đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyệt Ánh

Mặc dù sự sụt giảm của ngành du lịch là điều đáng lo ngại, song theo Tổng cục Du lịch, hiện dòng khách quốc tế đang chuyển hướng khỏi các điểm du lịch đã bão hòa và đang bất ổn, nên ngành du lịch nước ta vẫn còn có nhiều cơ hội và Hà Nội hoàn toàn có thể là một trung tâm thay thế các điểm du lịch lớn trong khu vực. Một chiến dịch giảm giá đồng bộ đang được áp dụng để đón cơ hội này…  
 
Làm đâu chắc đấy
 
Đây là lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam mở một chiến dịch giảm giá đồng bộ trên cả nước dưới sự giám sát của Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch. Chiến dịch khuyến mại bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 6-2009 với việc thí điểm khoảng 100 sản phẩm du lịch – 100 chương trình du lịch. Chương trình này sẽ được công bố rộng rãi, tập trung vào những thị trường du lịch tiềm năng như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Mức giá sẽ giảm khoảng từ 30 đến 50% và cơ bản đã nhận được sự đồng ý của các hãng lữ hành tham gia chương trình. Sau giai đoạn đầu, chương trình sẽ tiếp tục được mở rộng tới các doanh nghiệp khác.
 
Hưởng ứng kế hoạch mà Tổng cục Du lịch đưa ra, song đại diện một số hãng lữ hành cho rằng chương trình khuyến mại chỉ diễn ra trong 6 tháng là quá ngắn, khó tạo hiệu quả; có lẽ, nên kéo dài ít nhất là tới hết quý IV của năm 2009, tức là qua giai đoạn "thấp điểm" của du lịch, hoặc qua hết cả năm 2009. Nhiều người băn khoăn về việc giới hạn số lượng các tour và số công ty tham gia chương trình. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành: "Doanh nghiệp nào chưa lọt vào danh sách đợt một của chiến dịch vẫn có thể tham gia những đợt tiếp theo. Chúng tôi cũng muốn giảm giá hết cả năm 2009 nhưng điều đó có thể dẫn tới tình trạng là các doanh nghiệp đầu tiên có thể rất nhiệt tình, nhưng khi tình hình được cải thiện thì sẽ chùng lại, rút lui. Sự liên kết trong ngành du lịch vốn đã rất yếu rồi nên chúng ta càng phải làm đâu chắc đấy".
 
Làm sao thoát cảnh "ăn tối, múa rối nước"?
 
Bà Đỗ Thị Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn cho biết: "Hiện nay Hà Nội có rất ít chương trình vui chơi, giải trí cho du khách. Cứ gần tới 23 giờ là các điểm dịch vụ đã đuổi khéo khách về. Sản phẩm du lịch của chúng ta chưa có tính đặc thù, ví dụ như tại bất cứ nhà hàng, khách sạn nào du khách cũng được giới thiệu món nem y hệt như nhau, chỉ có tên gọi là khác."
 
Theo ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội thì Hà Nội cần giải quyết những vấn đề cụ thể như chỗ vui chơi, giờ mở cửa của các điểm giải trí cho khách du lịch. Với các khách sạn 5 sao, khu giải trí thì nên cho phép hoạt động muộn hơn quy định 23 giờ như hiện nay. Ngoài ra, việc đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, bởi giá đất quá cao mà diện tích cần để xây dựng thì rất lớn. Ông Lân đề nghị có một cơ chế cho xây dựng các khu vui chơi giải trí với giá ưu đãi, nếu không, khách tới Hà Nội sẽ mãi "ăn tối, rối nước" là hết ngày.
 
"Bà Đỗ Thị Xoan cũng lưu ý ngành du lịch Hà Nội cần tận dụng "Năm du lịch quốc gia tại Hà Nội", gắn với sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để thu hút khách trong thời gian trước mắt.
 
Để chiến dịch thúc đẩy du lịch không rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cam đoan: "Mọi doanh nghiệp đều sẽ được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước, được định hướng để phát triển. Chúng tôi sẽ gặp gỡ tất cả doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, đại diện hàng không… để chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục." Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng lưu ý các doanh nghiệp và các địa phương cũng phải đặc biệt chú trọng đến việc kích cầu nội địa, nhất là khi dịp Tết đang đến, nhu cầu đi du lịch của người dân trong nước tăng cao.
 
Khánh Trang (HNM)
 

Bình luận (0)