Thư viện đẹp, hiện đại, đạt chuẩn sẽ là điểm đến của giảng viên, sinh viên sau giờ lên lớp thay vì chỉ ở phòng nghỉ dành cho giảng viên hay hẹn hò quán xá đối với sinh viên. Tuy nhiên, hiện thư viện của nhiều trường ĐH ở nước ta chưa làm được điều này.
TS. Nguyễn Hồng Sinh, Khoa Thư viện – Thông tin học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chỉ ra thực tế là hầu hết giảng viên, nhà nghiên cứu của trường chủ yếu thực hiện các hoạt động khoa học tại nhà riêng, trong điều kiện không thuận lợi do chịu sự chi phối bởi các sinh hoạt gia đình, thiếu tài liệu hay phương tiện hỗ trợ, trao đổi với đồng nghiệp. Một trong các nguyên nhân nằm ở điều kiện cơ sở vật chất tại trường chưa đáp ứng, trong đó có thư viện.
TS. Hồng Sinh dẫn chứng, trong khi chuẩn thư viện ở nước ta diện tích tối thiểu một chỗ ngồi đọc là 2,5m2 thì không gian ngồi tại trường quá chật hẹp, chỉ 1,3m2/chỗ ngồi đọc. Việc sử dụng các phòng học có sẵn làm thư viện vừa không đảm bảo các tiêu chuẩn cần thiết về thẩm mỹ, cách âm vừa không tổ chức được các loại hình không gian khác nhau trong thư viện như khu vực học nhóm, khu vực yên tĩnh, khu vực giao lưu, sinh hoạt cộng đồng… Theo TS. Hồng Sinh, một thư viện đẹp thu hút nhiều người dùng chắc chắn nâng cao vị thế của một trường ĐH.
Thư viện được đầu tư hiện đại, đúng chuẩn sẽ thu hút sinh viên đến học tập, nghiên cứu |
Tương tự, ThS. Nguyễn Đắc Thành, giảng viên Trường ĐH Thương mại, cũng cho rằng tại nhiều nước, khi tham quan, khảo sát trường ĐH, người ta thường yêu cầu đến hệ thống thư viện. Cũng ở các nước, những tòa nhà dành cho thư viện luôn được đặt ở những vị trí đắc địa, trang trọng và gần như được coi là biểu tượng kiến trúc của trường đó.
Trong khi đó, dẫn nguồn từ tham luận của một tác giả, ThS. Đắc Thành chỉ ra, nhiều thư viện ở các trường ĐH Việt Nam được bố trí hoặc tận dụng những chỗ không dùng cho các công việc khác, có thể là phòng học, hội trường hay thậm chí là… nhà kho, căng tin, không thuận tiện cho bạn đọc lui tới.
Nhiều thư viện không tuyển được đội ngũ nhân viên được đào tạo đúng chuyên môn mà phải tiếp nhận những người chưa qua trường lớp, trái ngành thậm chí bị sa thải hoặc luân chuyển từ các vị trí khác. Trên thực tế, hầu như nhân viên chỉ chấp nhận làm thư viện khi không thể xin làm ở những vị trí khác và khi có cơ hội họ xin chuyển công tác ngay. Chính những mặt tồn tại này làm giảm chất lượng phục vụ của thư viện. Thói quen giảng dạy theo lối mòn, truyền đạt một chiều, không khuyến khích được người học tìm tòi tài liệu đọc thêm, sinh viên chỉ chú trọng kết quả thi kết thúc môn mà không muốn tiếp cận thư viện để nghiên cứu, đào sâu kiến thức.
Do đó, việc cải tạo không gian thư viện để thu hút giảng viên, sinh viên được nhiều ý kiến đặt ra. Theo TS. Hồng Sinh, không gian thư viện ĐH tiêu chuẩn cần thông thoáng, tiện nghi, đầy đủ phương tiện tra cứu và sử dụng tài liệu; có nội thất phù hợp cho các nhu cầu đọc đa dạng; có khuôn viên yên tĩnh cho các cá nhân cần làm việc tập trung và khuôn viên cho các hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật, học tập cộng đồng.
Bên cạnh lưu ý ưu tiên vị trí đẹp, thuận tiện cho thư viện tại các trường ĐH, ThS. Đắc Thành còn nhấn mạnh việc tăng cường trang bị công nghệ thông tin cho các nhân viên thư viện để tránh tụt hậu, bởi thực tiễn công việc thư viện thời hiện đại đã đổi khác rất nhiều. Đồng thời, ThS. Đắc Thành đặt vấn đề hoạch định ngân sách đầu tư ổn định cho thư viện, bởi hiện còn nhiều thư viện hoạt động theo cơ chế xin – cho, chưa có ngân sách ổn định nhất là đối với việc bổ sung nguồn học liệu.
Ý kiến khác cũng đề cập hướng liên kết thư viện các trường ĐH để chia sẻ thông tin, tạo điều kiện cho người học được thụ hưởng nguồn thông tin đầy đủ và phong phú.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Hầu như nhân viên chỉ chấp nhận làm thư viện khi không thể xin làm ở những vị trí khác và khi có cơ hội họ xin chuyển công tác ngay. |
Bình luận (0)