Trần Bùi Xuân Dự, cựu học sinh lớp 12B1, trường THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, hiện đang là sinh viên năm đầu của ĐH Ngoại thương là cái tên không còn xa lạ trong giới học sinh, sinh viên. Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Dự là thí sinh toàn quốc duy nhất thủ khoa cả ba khối thi: A, A1, D1.
Trong đó, Toán: 9,75, Văn: 8,25; Lý: 9,4; Hóa: 9,2; Tiếng Anh: 8,43. Với thành tích này, Dự là thủ khoa 3 khối của cụm Mỏ địa chất, trong đó khối A là 28,35 điểm; khối A1: 27,58 và khối D: 26,43 điểm.
Trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2017, Trần Bùi Xuân Dự đã có chia sẻ về phương pháp ôn tập, cách làm bài thi trong mùa thi sắp tới.
Theo Dự, đối với các môn thi, thí sinh cần nắm chắc cấu trúc đề và ôn tập theo cấu trúc đề mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. “Thời gian này cũng là thời gian hợp lý để thí sinh tập trung vào ôn tập, luyện những bài tập khó. Trong đó, chú ý nắm chắc các dạng bài tập. Có thể tự tìm kiếm các bài tập khó trong các sách tham khảo học trên mạng internet. Ngoài ra, lý thuyết cũng rất quan trọng” – Dự khẳng định.
Với phần bài tập của các môn thi trắc nghiệm, Dự cho rằng không nhất thiết phải giải chi tiết ra giấy nháp như với các bài thi tự luận mà phải tìm được cách giải nhanh nhất để đi đến đáp số. Tuy nhiên, phải nắm chắc kiến thức lý thuyết nền tảng thì mới giải quyết được phần bài tập. Nếu không nắm vững lý thuyết, thí sinh khó có thể làm được phần bài tập.
Nói riêng về môn Vật Lý, Trần Bùi Xuân Dự cho biết sai lầm của thí sinh khi cầm đề thi đó là không đọc kỹ câu hỏi. “Mỗi câu hỏi có 3 đáp án nhiễu. Thế nên, không được hoảng khi thấy đề quá dài. Những câu hỏi dài chưa chắc đã khó như mình nghĩ” – Trần Bùi Xuân Dự bật mí.
Đối với môn Hóa, Dự cho biết lý thuyết môn Hóa học dài hơn và quan trọng hơn môn Vật lý. Do đó, một lần nữa, Dự khẳng định thí sinh phải nắm thật chắc lý thuyết.
“Ở đề Hóa học, đạt dược điểm 6 và đạt được điểm 7 là hai mức điểm khác nhau rất nhiều. Ở lớp, các thầy cô không có nhiều thời gian để luyện và cho bài tập nhiều. Vì vậy, tự học là chính. Cách học tốt nhất là lên mạng tìm các dạng bài tập mà thầy cô các nơi cập nhật hàng ngày để tham khảo. Đây là cách học tốt nhất vì các dạng bài tập mới được cập nhật thường xuyên” – Dự chia sẻ.
Một sai lầm mà theo Dự các thí sinh hay mắc phải khi làm bài thi trắc nghiệm nói chung đó là đọc không hết đề bài do đề dài vì vậy không thu thập hết thông tin từ đề bài. Thứ hai là thiếu linh hoạt trong việc vận dụng các định luật vào giải bài tập.
Nghiêm Huê (TNO)
Bình luận (0)