Học nhiều chưa chắc thi được điểm cao, thay vào đó các bạn cần vạch cho mình kế hoạch ôn tập khoa học… Đó là chia sẻ của hai thủ khoa trường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 – em Phạm Quang Thắng (thủ khoa đầu vào Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10 – hiện học lớp 10A4) và em Nguyễn Ngọc Phương Thảo (thủ khoa đầu vào Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3 – hiện học lớp 10N).
Nguyễn Ngọc Phương Thảo (thủ khoa đầu vào Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3)
Nắm chắc các nội dung chính
Đậu thủ khoa đầu vào Trường THPT Lê Quý Đôn với số điểm 46, với Phương Thảo, đó không phải là sự may mắn mà là nhờ vào kế hoạch ôn tập khoa học em đã vạch ra cho bản thân. Theo Phương Thảo, khi ôn tập không nên học kiến thức tràn lan mà quan trọng nhất là phải nắm kỹ các nội dung chính. “Đối với môn toán, đầu tiên em cố gắng nắm thật chắc các công thức rồi vận dụng vào làm các đề toán tham khảo. Theo đó, mỗi ngày em làm khoảng 2-3 đề để tăng khả năng định hướng cách làm khi làm bài thi”, Phương Thảo chia sẻ.
Không chỉ ở môn toán mà với môn ngữ văn, Phương Thảo cũng học kỹ các nội dung chính của từng văn bản, đồng thời em tìm hiểu thêm một số cách viết mới từ những dàn ý tìm được trên mạng, sau đó triển khai tiếp những ý nhỏ. Phương Thảo cho biết: “Bằng cách học này vừa giúp em nắm chắc kiến thức một cách nhẹ nhàng, vừa không bị quên nếu rơi vào trạng thái mất bình tĩnh lúc vào phòng thi. Riêng môn ngoại ngữ, em không chỉ tập trung học kỹ từ vựng, ngữ pháp mà còn thường xuyên luyện đề để biết cách phân bố thời gian hợp lý, qua đó rút ra được kinh nghiệm từ những lần làm sai”.
Nói về công nghệ, Phương Thảo cho biết công nghệ sẽ không ảnh hưởng đến kết quả thi tuyển sinh nếu chúng ta biết dùng đúng cách. “Thay vì dùng điện thoại chơi game hàng giờ thì chúng ta có thể dùng nó lên mạng tìm một số đề thi để ôn luyện, tìm một số dàn ý văn hay, hay một số lời khuyên cực kỳ bổ ích từ các thầy cô, những anh chị đi trước”, Phương Thảo nói. Ngoài ra, Phương Thảo cho biết thêm: “Trong mùa thi thì sức khỏe bản thân là quan trọng nhất nên em luôn cố gắng ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý chứ không ép mình ôn tập quá nhiều để có thể có được sức khỏe tốt nhất cho kỳ thi. Đặc biệt, em cũng tự tạo cho mình tâm lý thoải mái, không quá căng thẳng vì có thể dẫn đến stress khi kỳ thi đến”.
Phạm Quang Thắng (thủ khoa đầu vào Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10)
Biết lập quỹ thời gian
Đây là “chìa khóa” giúp Quang Thắng trở thành một trong 3 thí sinh có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất Trường THPT Nguyễn Khuyến với 44,5 điểm. Để đạt được số điểm trên, Quang Thắng cho biết những ngày trong tuần em tập trung học các môn văn, toán và ngoại ngữ để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, những môn còn lại em dành ngày chủ nhật để học. “Ngoài việc học trên trường, học ở thầy cô thì chúng ta cũng nên học thêm ở bạn bè. Chẳng hạn khi thầy cô cho bài tập về nhà, nếu câu nào biết thì tự làm, còn khó quá thì hỏi bạn bè giỏi hơn, xong rồi thì làm lại bài tập đó để nhớ cách làm hoặc phát hiện ra cách làm mới”, Quang Thắng chia sẻ.
Một điểm đặc biệt mà Quang Thắng lưu ý với “đàn em” năm nay là 2 tuần trước khi thi thì đừng nên làm những bài toán khó nữa mà hãy làm những bài dễ, cơ bản để nắm chắc những phần kiến thức dễ; không ôn tập những câu khó vì rất dễ làm bản thân lo lắng, bị tâm lý nếu không làm được ảnh hưởng đến cả kỳ thi. “Theo em, để khắc phục vấn đề tâm lý khi đi thi, 2 tuần đầu của tháng cuối chúng ta nên tập trung ôn tập những câu khó; còn vào 2 tuần cuối thì ôn tập những câu dễ và dành thời gian ngủ sớm. Đặc biệt là sát ngày thi, chúng ta đừng ôn tập nữa mà hãy thư giãn. Theo kinh nghiệm của em, khi vô phòng thi, chúng ta không nên giao tiếp nhiều với bạn cùng phòng, không phải là mình tự cao mà chỉ để bản thân có thể tập trung hết sức cho bài làm cũng như không bị tâm lý lo lắng”, Quang Thắng chia sẻ.
Đối với Quang Thắng, việc đăng ký nguyện vọng là yếu tố vô cùng quan trọng: Chúng ta không nên chọn những trường có điểm tuyển sinh quá cao trong khi năng lực còn hạn chế. Tốt nhất chúng ta nên tham khảo ý kiến từ giáo viên dạy toán, ngữ văn và tiếng Anh cũng như từ phía gia đình để chọn nguyện vọng sao cho phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình”. Theo Quang Thắng, các bạn học sinh nên chọn trường vào thời điểm cuối lớp 8, vì lúc đó bản thân có nhiều thời gian để tìm hiểu các trường THPT; đồng thời việc chọn trường sớm sẽ giúp bản thân có mục tiêu cho năm lớp 9 – có cố gắng thì mọi thứ mình muốn đều sẽ đạt được. Ngoài ra, chúng ta cũng nên xem lại điểm chuẩn của các trường THPT trong 2-3 năm trước, sau đó ước chừng sức học của mình tới đâu để đặt nguyện vọng…
Bài, ảnh: H.Trinh
Bình luận (0)