Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thủ khoa có bước lên thảm đỏ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trải thảm đỏ đón nhân tài – cụm từ này lặp đi lặp lại 10 năm qua tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, trong số gần 1.000 thủ khoa được ghi danh vào sổ vàng đặt trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chỉ có 107 người về làm việc tại các cơ quan nhà nước của thành phố. Vì sao?

Các thủ khoa năm 2011 được tuyên dương. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tại ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN), TS Trịnh Thị Thúy Giang, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên cho biết: Có khá nhiều thủ khoa, sau khi tốt nghiệp được nhà trường mời ở lại làm giảng viên và gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ký hợp đồng, nhận học bổng, học xong thạc sĩ (Ths), tiến sĩ (TS), người ở lại nước sở tại làm việc, người về nước nhưng lại bỏ ra ngoài làm việc để kiếm tiền; số người ở lại nhiệt tâm với công tác giảng dạy là hiếm.
TS Trịnh Thị Thúy Giang chỉ ra: mặc dù, trường ĐHKH Tự nhiên có chính sách thu hút khá tốt đối với nhân tài (chỉ cần là thủ khoa, ký hợp đồng ở lại là có học bổng đi học nước ngoài; năm đầu hỗ trợ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà ở /1 tháng; ưu tiên làm đề tài nghiên cứu khoa học để vừa có thể nghiên cứu, vừa có kinh phí chủ trì các đề tài…) nhưng mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 15 TS. “Thu nhập mỗi tháng của một giảng viên trẻ chỉ từ 3-4-5 triệu đồng, trong khi làm cho công ty nước ngoài, người tài có thể kiếm mấy ngàn USD/tháng.
Nhà trường có muốn thu hút nhân tài cũng không thể trả nổi số lương khủng như các công ty” – TS Giang chia sẻ.
Thủ khoa khoa Kinh tế học, Phạm Ngọc Quỳnh, trường ĐH Kinh tế Quốc dân ở lại trường kể rằng: Mỗi năm trường này có khoảng 20 thủ khoa các khoa nhưng đa phần họ chọn cách ra ngoài làm việc tại ngân hàng hoặc các công ty kiểm toán quốc tế. Lý do ở lại, theo Quỳnh vì yêu công việc giảng dạy.
Chia sẻ về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội thừa nhận: Trong số 1.000 thủ khoa được vinh danh của Hà Nội. Điểm vướng ở chỗ chỉ có một số có chuyên ngành phù hợp hoặc đơn vị tuyển dụng có biên chế; Trong khi, tâm trạng thủ khoa muốn được thử sức ở các cơ quan ngoài để phát huy tốt hơn chưa kể thu nhập cơ quan nhà nước không hấp dẫn.
Theo bà Thùy, để tạo được sự đột phá trong việc “trải thảm đỏ” đón nhân tài, cần phải có sự nỗ lực từ cả 2 phía người sử dụng lao động và thủ khoa.
Sự ưu đãi của thành phố chỉ đạt được phần chế độ tuyển thẳng khi vào làm việc còn lương bổng cao hơn thì khó có thể ngay.
Dù thế nào cũng cần những thủ khoa có niềm say mê thực sự và tâm huyết với công việc. Lúc đó tấm thảm đỏ sẵn sàng trải rộng.
Hồ Thu (TPO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)