Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thủ khoa ĐHQG Hà Nội nhịn yêu để trả nợ

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Văn Hoàng, thủ khoa toàn khối A của ĐHQG Hà nội sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Gặp Hoàng trong những ngày đầu bước vào cuộc sống sinh viên, những điều mới mẻ và cả khó khăn chưa làm Hoàng nản chí, mặc dù nghĩ về nó, cũng thấy “chóng mặt”.
Nguyễn Văn Hoàng.
“Mình cũng từng học chưa đến nơi đến chốn” 
Hỏi về “bí quyết thủ khoa”, Hoàng cảm thấy tiếc nuối nhiều, mặc dù khi biết tin, không khỏi bất ngờ và vui sướng. 
Thì ra, điều làm Hoàng buồn và “hối hận” cho đến bây giờ chính là điểm Toán. Vậy là thay vì chia sẻ với mọi người về bí quyết học giỏi, cậu lại quay ra chia sẻ “nỗi niềm” của những tháng ngày lười học. 
– Vậy ra, thủ khoa của ĐHQG Hà Nội lại đã từng lười học đến mức bây giờ phải hối hận sao? 
– Hi, không lười đến thế đâu! Nhưng quả thực khi còn học lớp 10 và lớp 11, mình đã học không chăm chỉ. Môn Lý được xếp vào top đầu của lớp là do mình đam mê và có gốc từ cấp 2, nhưng môn Toán chỉ  “thường thường bậc trung”, môn Hoá thì dở tệ. Đó là kết quả của sự chủ quan. 
– Thế thì Hoàng cũng ham chơi nhỉ? 
– Ừ! Nửa năm lớp 11, mình còn ham chơi điện tử. Nhà có cái máy tính cũ và thế là thời gian mình dành cho điện tử nhiều hơn thời gian học. Không hiểu sao lúc đó lại ham mê nó đến thế. Đến học kỳ 2 mình mới “tỉnh” được và rời xa. 
– Thế thì làm sao lớp 12 Hoàng có thể “bật” lên như vậy? 
– Cố gắng và cố gắng! Lúc đó, mình thực sự lo lắng khi trước mắt là kỳ thi ĐH và cũng là lúc mình thấy đã bỏ phí 2 năm cấp 3. Kiến thức Toán , Lý, Hoá thi ĐH hầu như đều liên quan chặt chẽ ở cả 3 lớp 10, 11, 12, thậm chí là lớp 8, 9. Khi đó, mình mới thực sự hoảng. Thời gian đầu năm lớp 12, mình học không lên đươc là bao. Chỉ sau khi đầu tư học ngày học đêm, kiến thức phải “lôi” từ sách các lớp dưới, rồi thậm chí cả sách cấp 2 mới củng cố được. Sau một thời gian kiên trì như thế, mình mới tiến bộ rõ ràng. 
Cũng may là mình không học chăm chỉ nhưng cũng không để bị “mất gốc” nên mới có thể “hồi phục” được.  
– Kết quả như vậy đâu phải là tồi? 
Mình nhận ra rằng không nên lãng phí thời gian quá nhiều như thế, nó dẫn đến cả việc lãng phí chính năng lực của mình nữa. Dù mình có năng lực mà không cố gắng hết sức thì kết quả cũng khó có thể như mong muốn
– Môn toán của mình chỉ đạt 8,75 điểm. Mình không làm được câu khó nhất. Hơn nữa, khoa Công nghệ thông tin mình theo học chủ yếu dùng Toán nên mình rất lo lắng. Lúc này mình mới thấy tiếc vì đã không “đầu tư” thực sự cho nó, chưa làm hết sức mình. Sắp tới, mình phải cố gắng để lấp đi phần khuyết thiếu đó. 
Hơn nữa, mình nhận ra rằng không nên lãng phí thời gian quá nhiều như thế, nó dẫn đến cả việc lãng phí chính năng lực của mình nữa. Dù mình có năng lực mà không cố gắng hết sức thì kết quả cũng khó có thể như mong muốn. 
Thời gian Hoàng “lười” như thế, bố mẹ có nhắc nhở bạn không? 
– (Đỏ mặt) Đây là điều khiến mình xấu hổ và cảm thấy có lỗi với bố mẹ nhất. Bố mẹ chưa bao giờ nhắc nhở chuyện học hành, luôn để mình tự giác. Bố mẹ thậm chí còn cho rằng mình học nhiều. 
Nhiều hôm, thấy bố đi làm thợ về áo đẫm mồ hôi, dính đầy xi măng, mẹ làm đồng muộn còn nấu cơm cho con có thời gian học, mình thấy có lỗi vô cùng. Cũng vì thế, mình mới cố gắng để phần nào “chuộc lỗi”. Cho đến giờ, bố mẹ vẫn không biết mình từng ham chơi như thế!
 “Mình ăn ít dần cũng quen” 
Đằng sau niềm vui đỗ thủ khoa, vào được ngành học “đắt” nhất của Trường ĐH Công nghệ – ĐHQG Hà Nội đối với gia đình Hoàng, trang trải chi phí cho việc học ở thủ đô không phải chuyện nhỏ.
Một mình mẹ với 9 sào ruộng, bố sức khoẻ đã giảm sút nhưng ngày ngày vẫn đi làm thợ xây trong vùng. Thu nhập gia đình cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho hai em của Hoàng còn đang học cấp 2 và lớp lá. 
– Bố mẹ lên kế hoạch chu cấp cho bạn đi học như  thế nào? 
– Trước mắt, nhà mình sẽ vay vốn sinh viên của Ngân hàng. Ở quê, hầu như nhà nào có con đi học đều vay hết. Và vay ở bên ngoài. Mình cũng có một người thân hứa sẽ cho vay, đến khi đi làm thì trả lại. (cười). 
– Hoàng có nghĩ khi ra trường sẽ sớm hoàn trả những khoản nợ đã vay không? 
Thực sự, khi chọn nghề, mình cũng đã chọn nghề có thể kiếm ra nhiều tiền (cười vui). Ngành học của mình nếu giỏi sẽ có thể làm được như thế. Vậy nên, bây giờ, mình phải rất cố gắng để học tốt, vào được lớp chất lượng cao của trường và sau này ra trường sẽ được nhận vào công ty lớn. Mình tin rằng nếu làm được như vậy, sẽ sớm trả được tiền vay.
Khi đỗ ĐH, bố mẹ đã “giao” cho mình sau này nuôi các em ăn học. Hơn nữa, mình mong có thể phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Mình cảm thấy có rất nhiều mục đích để cố gắng học tập.  
– Khoản vay cho Hoàng ăn học ở Hà Nội suốt 4 năm có thể sẽ lên đến gần 100 triệu đồng. Bạn không thấy “sợ” sao? 
– Có chứ! Những ngày mới ra Hà Nội, mình cảm thấy thật mệt mỏi khi phải lo toan nhiều thứ. Những khoản nợ tương lai khiến mình thấy chóng mặt. Giờ,  mình cố gắng thay đổi suy nghĩ, sẽ học như ngày xưa, và nhiều hơn thế để không để thời sinh viên và năng lực, danh hiệu của mình thành lãng phí. 
– Bước đầu chạm ngưỡng cửa đời sống sinh viên, Hoàng cảm thấy thế nào? 
– Cảm nhận đầu tiên của mình là cái gì cũng đắt đỏ, cái gì cũng cần đến tiền.
Mình còn được một bài học cho nạn trộm cắp. Hôm nhập trường, đứng ở cổng bị móc ví mất 1,5 triệu đồng, mình tiếc phát khóc và ngẩn ngơ cả ngày. Ngày đầu, mình ăn suất cơm 25 nghìn, cả ngày hết 50 nghìn mới thấy no.
Hôm sau “sợ” quá, mình chỉ dám ăn suất cơm 15 nghìn, bây giờ, mình chỉ ăn suất 12 nghìn thôi. Đang ở nhà quen ăn nhiều, ra đây ăn ít hơn cũng thấy…đói! 
– Hoàng ăn uống như vậy làm sao duy trì được sức khoẻ để học hành? 
– …Ăn ít dần cũng thành quen bụng mà! (cười ngượng). 
Cuộc sống sinh viên đang bắt đầu với chàng trai có vóc dáng khá nhỏ bé. Hoàng tâm sự, bây giờ, chỉ nhìn vào những mục đích để cố gắng học tập, thậm chí sẽ không nghĩ đến chuyện … yêu đương. 
Nguyễn Hường / Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)