Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thủ khoa ngành kiến trúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng: Đam mê với kiến trúc

Tạp Chí Giáo Dục

Huỳnh Thị Mỹ Linh (cựu học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, H.Điện Bàn, Quảng Nam)-tân thủ khoa của ngành kiến trúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng mùa tuyển sinh 2014- là một cô gái có niềm đam mê cháy bỏng với kiến trúc.


Đam mê với ngành kiến trúc, Linh đã thuyết phục ba mẹ bằng những bản vẽ đầy tâm huyết của mình – Ảnh: Diệu Hiền
Và chính với đam mê đó, Linh đã bước vào ngành học mình yêu thích với số điểm cao nhất trong số những thí sinh trúng tuyển vào ngành kiến trúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng với số điểm 36 điểm, trong đó môn vẽ đạt 8,25 điểm.
Mẹ muốn Linh thành bác sĩ, giáo viên
Cha làm nghề sửa chữa điện tại nhà, mẹ làm công nhân, nhưng vượt qua tất cả những khó khăn của đời sống vật chất, cha mẹ Linh quyết tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất để Linh đầu tư cho việc học. “Hồi trước mình học cũng khá, những hoàn cảnh không cho phép nên không được học nhiều, nên quyết tâm cho con cái học hành đến nơi đến chốn!” chị Võ Thị Mãi, mẹ của Linh chia sẻ.
Không phụ lòng cha mẹ, Linh luôn đặt quyết tâm học tập tốt lên hàng đầu. 12 năm liền đều là học sinh giỏi, những năm lớp 10, 11 Linh đều là học sinh giỏi nhất khối, với điểm số các năm đều trên 8,7. Ngay khi Linh vào lớp 10, cha mẹ Linh đã hướng cho em thi vào ngành y hoặc ngành sư phạm để ra trường dễ có việc làm, nhưng đó không phải là mong muốn của Linh, và Linh đã thuyết phục cha mẹ. Cuối cùng, cha mẹ đã phải “đầu hàng” trước những bản vẽ đầy cá tính và đam mê của Linh.
 “Năm 12 em dành thời gian nhiều cho môn lý và vẽ, vì với em đó là thế mạnh, nhưng sang học kì 2 của năm 12, em nhận được thông tin ĐH Đà Nẵng xét tuyển ngành kiến trúc lấy điểm môn văn của 5 học kì xét thay cho môn lý, em khá lo vì lý em đến 9,6; nhưng em đã quyết tâm vào ngành kiến trúc vì đam mê vẽ từ thưở nhỏ, nên em đã tích cực học tập!”. Linh chia sẻ.
Học kiến trúc là phải đam mê và nỗ lực
“Đề năm nay rất khó, không chỉ vẽ nhiều vật mà còn rất lớn, nên không dễ để hoàn thiện trong vòng 3 tiếng đồng hồ, vậy mà Linh đã vượt lên sự lo lắng để hoàn tất bài vẽ và chiếm điểm cao!” thầy Trần Thanh Sơn, thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên Đức Kiến, người trực tiếp dạy vẽ cho Linh nói về Linh.
“Khi gặp bài vẽ khó, em khá hồi hộp, nhưng trấn tĩnh lại ngay, và bắt tay vào vẽ bởi thời gian không có nhiều! Khi vẽ xong toàn bộ các vật thì em dư ra nửa tiếng đồng hồ, và bắt đầu dành thời gian để trau chuốt, sửa chữa bản vẽ cho hoàn thiện hơn! Em nghĩ nếu bài vẽ này cho em thời gian 6 tiếng, nhất định em sẽ vẽ đẹp hơn rất nhiều! Và cũng nhờ khi luyệt tập, em cũng đã tập làm quen với nhiều dạng bài khó nên không quá bối rối!” Linh nhận xét về đề thi lần này. Và tân thủ khoa ngành kiến trúc cũng già dặn chia sẻ: “Em nghĩ, với ngành học kiến trúc này, không chỉ cần năng khiếu mà còn phải thực sự đam mê và có nỗ lực không ngừng. Rất nhiều bạn bỏ ngang ngay khi đang luyện thi, nhiều anh chị em biết đang học kiến trúc được 1-2 năm cũng từ bỏ, nên nếu không vượt qua được những khó khăn, em nghĩ sẽ không trụ nổi ở ngành học này!”.
Khi được hỏi em sẽ chọn học lĩnh vực kiến trúc công trình hay kiến trúc nội thất, thì Linh đã nhanh chóng trả lời, sẽ lựa chọn kiến trúc công trình, vì bởi em say mê những công trình đẹp, và khát khao được một ngày tự tay thiết kế nên những công trình đẹp ấy, để làm đẹp cho quê hương.
Giám đốc ĐH Đà Nẵng PGS.TS Trần Văn Nam và Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng PGS.TS Lê Kim Hùng đã có buổi gặp mặt trao đổi với những thí sinh vừa trúng tuyển vào ngành kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng về phương thức tuyển sinh mới đối với ngành học này. Theo PGS.TS Nam, hình thức xét tuyển năm nay của ngành kiến trúc là: tổng điểm xét tuyển bao gồm tổng điểm trung bình môn văn 5 học kỳ (từ học kì 1 lớp 10 đến học kì 1 lớp 12) đạt từ 5,5 điểm; điểm thi môn toán (hệ số 1,5), điểm vẽ mỹ thuật (hệ số 2) và điểm ưu tiên. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Diệp nhận xét: “Năm nay cách xét tuyển này thay môn văn cho môn lý, em thấy rất hợp lý vì môn văn rất cần cho ngành kiến trúc, nhất là trong việc thuyết trình những sản phẩm làm ra!”. TS Trần Quang Sang cũng chia sẻ: “Việc xét tuyển giúp chúng em được biết mình trúng tuyển từ rất sớm, nên càng thuận lợi cho chúng em!”.
D.H ghi
Diệu Hiền (TNO)


Bình luận (0)