Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thủ khoa nghèo và những điều kì diệu

Tạp Chí Giáo Dục

Đỗ đại học, đặc biệt đạt danh hiệu thủ khoa là niềm mong ước của nhiều học sinh khi rời ghế nhà trường. Tuy nhiên đối với những thí sinh nghèo đạt danh hiệu thủ khoa thì niềm vui lại xen lẫn không ít âu lo.
Nỗi niềm của những thủ khoa nghèo
Ngay từ nhỏ, cô bé Thủ khoa khối A của trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Lương Thị Hường đã nuôi mơ ước trở thành giáo viên để có điều kiện tiếp cận, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn giống như mình, góp phần nhỏ cho sự phát triển của xã hội.
Ba là thợ may, mỗi tháng chỉ may được vài bộ quần áo cho người dân trong làng, lại mang trong mình căn bệnh nhồi máu cơ tim, thường xuyên đau yếu. Mọi gánh nặng trong công việc đồng áng của gia đình đổ dồn lên đôi vai người mẹ. Mỗi khi không phải ngày mùa mẹ em lại đạp xe đi thu mua ve chai giữa buổi trưa nắng gắt.
Hường tâm sự: “Những lúc học khuya nghe tiếng thở dài, thấy được nỗi lo lắng qua ánh mắt của mẹ hay có những hôm thấy gương mặt ba nhăn nhó vì những cơn đau dày vò, em lại thấy nghẹn ngào. Khi ấy em chỉ biết cố gắng học thật tốt để không phụ công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ”. 

Lương Thị Hường, Thủ khoa trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng
Không may mắn như các bạn cùng lớp 12T5 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Hường không có điều kiện để học thêm nhiều nơi, tiếp xúc với các nguồn tài liệu phong phú. Lần nào cũng vậy, khi xin tiền học thêm Hường biết mẹ rất lo lắng, tuy nhiên nỗi lo ấy không được thể hiện qua nét mặt. Mẹ luôn phải chạy vạy rất vất vả để lo tiền học cho em. Vì vậy khi cần tiền đóng học phí em luôn phải báo trước cho mẹ một đến hai ngày để mẹ còn đi vay mượn. Rồi đến mùa gặt mẹ em sẽ đóng lúa hoặc làm công cho họ để trừ nợ.
Cùng chung với hoàn cảnh khó khăn như vậy, Thái Minh Khoa, thủ khoa trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng lại có những nỗi niềm riêng.
Nhà Khoa chỉ có hai sào ruộng để lấy lúa ăn. Thu nhập trong nhà bấp bênh theo từng vụ mùa. Mẹ của Khoa quanh năm suốt tháng đi làm mướn. Cha thì ở hẳn bên nội để chăm sóc ông bà nội rất yếu và người em bị tâm thần. Chị gái lấy chồng xa. Căn nhà nhỏ giữa đồng ruộng chỉ có hai mẹ con. Một năm cả nhà mới gặp nhau đầy đủ mấy lần. 

Thủ khoa trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Thái Minh Khoa
 
Suốt những năm THCS và THPT, cứ vừa kết thúc năm học Khoa tranh thủ đi làm mướn. Trồng cải, làm cỏ, đập lúa… việc gì Khoa cũng làm. Lên THPT, học sớm hơn nên cậu chỉ làm được một tháng. Tiền làm được Khoa để dành đầu năm học mua sách giáo khoa, photocopy tài liệu, sách tham khảo, đóng tiền lặt vặt… Những bữa phải ở lại trường cả ngày thì lấy tiền đó ăn uống. Ngay từ đầu năm lớp 12, Minh Khoa đã có kế hoạch để dành tiền và tiết kiệm hơn nữa để chuẩn bị kỳ thi đại học, cao đẳng….
Và những điều kỳ diệu…
Cũng giống như bao thí sinh khác, ngoài việc thi CĐ, Thủ khoa Thái Minh Khoa cũng đầu đơn dự thi hai trường ĐH. Tuy nhiên, đối với Khoa nếu có đậu ĐH thì đó cũng chỉ là sự khẳng định mình, còn để nhập học thì đó gần như là điều “không tưởng”.
“Ngay từ đầu em đã xác định là sẽ theo học cao đẳng cho dù có trúng tuyển ĐH. Em quyết định chọn cao đẳng vì điều kiện kinh tế gia đình. Lỡ học đại học mà phải bỏ dở giữa chừng thì uổng công sức mà tốn tiền bạc cha mẹ. Học CĐ cho chắc rồi liên thông lên đại học cũng được” – Khoa giải thích.
Khi hay tin mình đạt danh hiệu thủ khoa trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng lại vừa trúng tuyển vào khoa Cơ khí – Cơ điện tử trường ĐH Bách khoa TPHCM, Thái Minh Khoa đôi lúc cũng chạnh lòng. Đối với Khoa nếu sự xuất phát là một trường ĐH có uy tín thì bước tiền đề về sau sẽ vững chắc hơn rất nhiều…
“Sức học còn nhưng tiền hết thì biết làm sao được hả anh”, Khoa bộc bạch.
Khác với Khoa, Thủ khoa Lương Thị Hường lại có những nỗi lo riêng mà trong đó vấn đề kinh phí của 4 năm theo học ĐH là một bài toán quá khó.
“Nỗi lo lớn nhất của em chính là chi phí cho việc ăn ở tại ký túc xá, tiền xe cộ về thăm nhà vì nhà em cách khá xa trường”, Hường cho biết.
Trước sự nỗ lực vượt bậc của hai thủ khoa “nghèo” chương trình “Thắp sáng tương lai” đã tìm đến với hai em trao mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 

Niềm vui của hai thủ khoa "nghèo" khi được mời ra Hà Nội
nhận học bổng "Thắp sáng tương lai"
Hai số phận, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một tâm trạng khi hay tin được nhận được số tiền học bổng từ chương trình “Thắp sáng tương lai” đó là sự bất ngờ và là niềm vui vô bờ bến.
“Với số tiền học bổng khá lớn này sẽ là nguồn động viên bước đầu cho em. Khi vào Đại học em sẽ cố gắng tìm một công việc làm thêm để trang trải cho sinh hoạt cá nhân và giúp đỡ ba mẹ. Dù con đường phía trước có khó khăn đến đâu em cũng sẽ vượt qua”, Thủ khoa Lương Thị Hường tâm sự.
Còn đối với thủ khoa Thái Minh Khoa thì học bổng “Thắp sáng tương lai” như là một điều kì diệu của cuộc sống để đưa em đến với Giảng đường ĐH Bách khoa TPHCM.
Chương trình “Thắp sáng tương lai” của VTV nhằm ngợi ca tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Nhân vật chính của chương trình sẽ do Hội Khuyến học Việt Nam chọn lọc và đề cử.
Chương trình “Thắp sáng tương lai” được tài trợ bởi Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhẩu khẩu Việt Nam (Eximbank). Học bổng của chương trình trị giá 10 triệu đồng/ suất.
Để tạo điều kiện cho các nhà hảo tâm có thể chung tay đóng góp, ủng hộ những học sinh, sinh viên này, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ GD- ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam đã cùng thống nhất địa chỉ nhận tài trợ từ các tấm lòng nhân ái gửi cho Chương trình “Thắp sáng tương lai” là tại Quỹ Khuyến học Việt Nam.
Theo ông Phạm Huy Hoàn, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam thì trong suốt hơn 4 năm qua, Quỹ Khuyến học Việt Nam thực sự đã truyền lửa cho hàng trăm nghìn học sinh và các thầy cô giáo nghèo trên nhiều vùng, miền trong cả nước.
Nguyễn Hùng – Diệu Linh (dan tri)

Bình luận (0)