Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thủ khoa Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Học nông học dù… thiếu đất

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh quan niệm thời đại công nghệ thì những ngành nông học, trồng trọt, chăn nuôi… đều lỗi thời. Học sinh giỏi khối B chỉ “để mắt” đến những ngành hái ra tiền như y dược, công nghệ sinh học. Và dù biết rõ “áp lực” như vậy, cậu học trò Nguyễn Huỳnh Nhật Dương (Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công, Tiền Giang) vẫn cười trừ, quyết dự thi vào ngành Nông học của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và ẵm luôn danh hiệu thủ khoa toàn trường với 27 điểm.

Nguyễn Huỳnh Nhật Dương

Không chỉ trở thành “hàng hiếm” khi lần đầu tiên một thí sinh dự thi ngành Nông học đoạt danh hiệu thủ khoa, Nhật Dương khiến bạn bè phát bực khi kiên quyết chọn học ngành Nông học dù em cũng trúng tuyển ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên với 24,5 điểm.

Lý giải cho quyết định ngược đời này, Nhật Dương cho biết: “Em thích trồng cây ngay từ nhỏ. Lúc đó, mẹ cho ăn trái cây gì em cũng thắc mắc loại cây đó được trồng như thế nào. Đi đâu, thấy cây gì là lạ em lại xin hạt, cây con đem về trồng. Nhà không có đất, em tìm cách trồng cây trong những gáo dừa khô. Không đủ gáo dừa, em lại đi xin hũ lọ về trồng tiếp. Khi đi học, em thấy thích và có năng khiếu với môn sinh nên quyết tâm theo đuổi ngành nông học”.

Bạn bè thường trêu sở thích rất “cụ non” nhưng Dương vẫn cố gắng học thật giỏi môn sinh để thực hiện ước mơ. Ngoài giờ học trên lớp, Nhật Dương mượn thêm sách nâng cao của thầy cô về giải thêm bài tập, rồi xem những chương trình khám phá trên truyền hình. Dương lén nhịn ăn sáng, dành tiền cho những giờ lên mạng tìm chương trình, bài tập sinh để học thêm.

Kết quả là thân hình siêu gầy của Dương càng trở nên mảnh mai nhưng bù lại cậu học trò một trường trung học vùng quê lại liên tiếp đánh bại học sinh thành thị để giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia môn sinh. Và vượt mặt hàng chục ngàn thí sinh để trở thành thủ khoa một trường đại học lớn với điểm số môn sinh đạt 9,75.

Khi Dương đăng ký dự thi vào ngành học yêu thích đã phải chịu nhiều áp lực từ phía người thân, thầy cô vì đơn giản nhà nghèo nên mọi người khuyên em tìm một ngành có hiệu quả hơn là theo đuổi sở thích thiếu thực tế. Ngày các bạn phấn khởi nộp hồ sơ dự thi đại học, Dương âm thầm thực hiện giấc mơ của mình mà không để thầy cô, bạn biết.

Cô Trần Ngọc Thúy, giáo viên bồi dưỡng môn sinh kể: “Thấy Dương học giỏi các môn tự nhiên, nhất là sinh, hóa nên tôi khuyên em thử sức với ngành y dược. Thấy em im lặng, mọi người đinh ninh em chọn thế. Đến ngày đi thi, tôi động viên em cố gắng thi đậu làm bác sĩ thì em nói: Em đâu có thi ngành y đâu mà thành bác sĩ cô ơi!”.

Là con trai thứ 2 trong gia đình khó khăn có 4 chị em nên áp lực đối với Dương không nhỏ. Cha Dương sau nhiều lần bệnh phải xin nghỉ việc vì mất sức lao động, gánh nặng 6 miệng ăn chỉ còn trông chờ vào đồng lương giáo viên tiểu học vài ba triệu đồng của mẹ. Thế nhưng, chị em Dương đều học khá giỏi.

Biết ơn thầy cô và sự chăm lo của gia đình, Dương luôn cố gắng học tập và đang từng bước thực hiện giấc mơ của mình.

“Vì nhà không có đất nên em dự định vào đại học sẽ nghiên cứu sâu về giống cây trồng. Người nông dân quê em làm việc vất vả nhưng thu nhập lại cực thấp vì không được tiếp cận khoa học kỹ thuật. Ra trường em vẫn muốn về quê công tác vì bà con nông dân cần mình và một phần cũng vì em thích cảnh đồng quê hơn”, đó là những dự định rất gần của cậu nhóc Dương “ròm” mê trồng cây dù nhà không có đất.

Tiêu Hà / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)