Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thủ khoa từ nghề ve chai của mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

“Em rất tự hào và thương mẹ. Không có nghề gì là xấu cả. Nhìn thấy mẹ cực khổ 12 giờ trưa còn đạp xe đi mua ve chai nên em càng quyết tâm học giỏi hơn để mẹ vui”, cô Thủ khoa trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng 2009 chia sẻ.

> 6 tuổi sở hữu 4 chứng chỉ quốc tế

> “Với em, Thủ khoa chỉ mới là sự bắt đầu”

Mấy ngày nay, gia đình anh Lương Văn Lân và chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đầy ắp tiếng cười và những lời chúc tụng của bà con, hàng xóm láng giềng bởi đứa con gái của họ không chỉ đỗ đại học mà còn đoạt danh hiệu thủ khoa.
Còn nữ thủ khoa Thủ khoa trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng (27,5 điểm), Lương Thị Hường thì không sao giấu được niềm vui. 12 năm đèn sách trong sự yêu thương của mẹ, nuôi nấng của ngoại, vậy là ước mơ bước vào giảng đường đại học đã rộng mở với cô bé lớp 12T5 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn).
Hàng ngày, trên chuyến xe như thế này, mẹ Hường đã tần tảo để kiếm tiền nuôi sống cả nhà
Được hỏi, trong khi nhiều bạn học giỏi đều đăng ký thi vào các ngành thời thượng hiện nay như tài chính, ngân hàng thì mình lại chọn trường sư phạm, Hường bảo, đó là do ngay từ thời còn học THCS, em đã có một ấn tượng rất lớn và sâu đậm về hình ảnh thầy giáo, cô giáo; hơn nữa, nhà nghèo, học ngành sư phạm ít tốn tiền.
Nhà nghèo, không có điều kiện học tập bằng các bạn nhưng Hường không lấy đó làm điều gì phải cảm, tự ti. Trong lớp, Hường vẫn kể cho các bạn nghe về hoàn cảnh gia đình mình. Nhiều hôm cùng các bạn đi học về, gặp mẹ đang đi mua ve chai trên đường Hường vẫn gật đầu chào hỏi mẹ. “Em rất tự hào và thương mẹ. Không có nghề gì là xấu cả. Nhìn thấy mẹ cực khổ 12 giờ trưa còn đạp xe đi mua ve chai nên em càng quyết tâm học giỏi hơn để mẹ vui”, cô thủ khoa chia sẻ.
Được hỏi đã chuẩn bị gì cho con đi học chưa, anh Lân chị Huệ đều ngơ ngác. Gạt giọt nước mắt đang chảy dài trên gương mặt, chị Huệ buồn bã nói :“Có chi đâu mà chuẩn bị em ơi! Lúa gạo không có, heo chừ mới nuôi, biết lấy chi mà bán lấy tiền. Chắc phải làm đơn đi vay ngân hàng, không biết có được không?”.
Hai mẹ con ứa nước mắt khi nói về kế hoạch đi học đại học sắp tới…
Anh Lân – bố Hường dù sức khỏe không được tốt vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim, nhưng trước thành tích của con, anh cũng bày tỏ: “Không có tiền nhưng cũng phải cố gắng vay mượn đâu đó để cho con ăn học. Cha mẹ không được học hành đến nơi đến chốn nên mới đói khổ, chừ phải hy sinh đời bố để củng cố đời con, cho con cái ăn học để chúng thoát khỏi khổ cực chứ”.
Tin Hường đỗ thủ khoa mọi người khâm phục một thì hình ảnh chị Huệ tần tảo càng khiến sự khâm phục nhân lên gấp bội. Trong những năm gần đây, sức khỏe của bố Hường không được tốt, vì vậy, công việc đồng áng gần như anh giao hết trên đôi vai của mẹ Hường. Một mình chị Huệ cáng đáng hết mọi việc, từ đồng áng đến công việc gia đình.
Vẫn không đủ, chị Huệ phải làm thêm rất nhiều việc. Nhìn người chị nhỏ, không ai tin là chị lao động nặng được, vậy mà chị có thể quần quật suốt ngày, ai mướn cuốc đất, gặt lúa chị đều sẵn sàng.
Xong mùa, chị lại xách bao đi mua ve chai. Khắp thôn cùng, ngõ hẻm từ Điện Minh, Điện Phương, thị trấn Vĩnh Điện của huyện Điện Bàn đến các xã của huyện Duy Xuyên cũng đều có dấu chân của chị đi qua. Sáng sớm đạp xe đi, đến chiều tối mới về, mỗi ngày nghề mua ve chai đã giúp cho chị kiếm khoảng 25.000 đồng, nhưng cũng có nhiều hôm đi mỏi cả chân mà chẳng được đồng nào.
Chính từ những sự khó nhọc của mẹ, Hường đã thấu hiểu và thành tích học tập hôm nay là món quà lớn nhất, ý nghĩa nhất mà cô bạn Lường Thị Hường dâng tặng cho đấng sinh thành.
Dẫu niềm vui, lời chúc mừng đến với gia đình Hường những ngày này, nhưng khi mọi người vừa ra về thì hai vợ chồng lại chạy vào trong buồng ôm mặt khóc nức nở. Bé Hường đậu đại học làm rạng danh cho gia đình nhưng không lẽ thế rồi thôi, không cho con bé đi học? Còn đi học thì tiền ở đâu? 
Tường Vy (dan tri)

Bình luận (0)