Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thủ lĩnh 8X ở miền sơn cước

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ lĩnh 8X miền sơn cước Hồ A Dược
Nuôi trong mình khát vọng phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống cực khổ của bà con dân bản, ở vào cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa vừa học hết lớp 9 đã quay về bản lập gia đình, mặc cho cha mẹ cấm cản, Hồ A Dược (sinh năm 1983) ở xã A Xing, huyện Hướng Hóa vẫn miệt mài đèn sách và trở thành chủ tịch xã trẻ nhất miền Tây Quảng Trị, được dân bản tin cậy…
Xã A Xing thuộc vùng Lìa miền Tây Quảng Trị tầm 11 giờ trưa chang chang nắng. Cậu bé da sạm màu đồng hun đang hí húi phơi đót bên đường cho biết: “Giờ này anh Dược còn đang cùng bà con ở ngoài rẫy chưa về đâu. Anh chị cứ đi thẳng, qua hết con dốc này sẽ gặp”.
Quả thật khó nhận ra trước mắt chúng tôi là một người lãnh đạo hàng ngàn nhân khẩu bởi cái vẻ trẻ trung của anh. Hồ A Dược cười hiền: “Sáng nay bên nhà máy chế biến tinh bột sắn cử cán bộ về tập huấn kỹ thuật trồng sắn cho bà con nên mình tranh thủ đến hướng dẫn cho bà con hiểu thêm. Dù gì, là người bản địa mình nói sẽ dễ truyền tải thông tin hơn”.
“Nén vàng không bằng gang chữ”
Đa phần thanh niên Vân Kiều, Pa Cô ở vùng núi rừng miền Tây Quảng Trị khi được hỏi về mục tiêu sau này, không ít người ngần ngại bảo: “Cưới vợ, làm nhà”. Nhưng cũng có một vài thanh niên vẫn nuôi khát vọng học hành để đổi thay bản làng, một trong số đó là vị chủ tịch trẻ nhất miền Tây Quảng Trị, Hồ A Dược.
Trò chuyện với chúng tôi, gương mặt và nụ cười của anh toát lên vẻ thông minh, lanh lợi của một người “đầu tàu gương mẫu”. Một điểm dễ nhận thấy ở anh làm động lực thôi thúc anh cống hiến chính là tuổi thơ khá nhọc nhằn, thiếu thốn. Sinh ra trong một gia đình nông dân, Dược sớm theo bố mẹ quần quật kiếm ăn trên nương. Người ta nói, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, anh thấm thía cái giá của việc canh tác theo phương thức “phát, đốn, đốt, trỉa” sau mỗi mùa bão lũ quét qua làng. Nỗi trăn trở ấy cứ đeo đẳng tâm trí câu học trò Hồ A Dược. Càng học, tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hiện đại, anh càng thấm thía: “Chỉ vì ít học, không nắm bắt được khoa học kỹ thuật, không tìm thấy hướng phát triển kinh tế, xã hội vững chắc… nên cái đói, cái khổ mới đeo bám dân quê mình dai dẳng”.
Tốt nghiệp cấp II ở xã, Dược vượt gần 20km trên chiếc xe đạp cọc cạch ra Trung tâm GDTX huyện Hướng Hóa tiếp tục đeo đuổi cái chữ. Sáng đi học từ tinh mơ, trưa lặn lội về nhà để kịp lên rẫy, cậu phải tận dụng từng phút, từng giờ để ôn bài. Thế nhưng xong lớp 12, hoàn cảnh gia đình buộc anh phải dừng bước. Dược về mái tranh nghèo ở xã A Xing cùng ba mẹ cần mẫn gieo những giọt mồ hôi trên nương nhưng không thôi ý nghĩ: “Sự học còn dài. Giờ mình không được đến trường nữa thì mình tự mày mò qua sách vở, ti vi. Nén vàng không bằng gang chữ, muốn đuổi “con ma đói” trước hết phải đuổi “con ma dốt” thôi”.
Nhờ tinh thần năng nổ, đam mê cống hiến nên 18 tuổi, Dược trở thành hạt nhân trong phong trào Đoàn ở địa phương. Năm 2004, anh trúng cử vào HĐND xã và được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐND xã. Năm 2008, anh được tín nhiệm vào vị trí Chủ tịch UBND xã A Xing khi mới bước sang tuổi 25. 
Sẵn sàng “ăn sương, nằm đất” cùng bà con 
Được tín nhiệm bầu làm chức Chủ tịch UBND xã ở tuổi còn khá trẻ, đó quả là một thách thức đối với Hồ A Dược. “Ban đầu mình lo lắm. Đảm nhận trọng trách lớn như vậy, mình phải cố gắng gấp hai, gấp ba bình thường. Có thế mới xứng đáng với niềm tin của bà con và đem đến sự đổi mới tích cực ở xã. Nói thì dễ nhưng để thay đổi được tư duy hàng ngàn đời nay của bà con lại là vấn đề vô cùng khó khăn trong khi mình chỉ là một thằng bé mặt còn búng ra sữa”, Dược cười hiền, bộc bạch.
Là Chủ tịch UBND xã, mỗi ngày Dược đối mặt với cả núi công việc. Điều đáng nói là anh phải giải quyết sao cho đúng và trúng. Mọi quyết định mà anh đưa ra luôn hướng đến lợi ích của người dân. Không bao giờ xem mình là ông “quan” địa phương, anh sẵn sàng ăn sương, nằm đất để tham gia phong trào, hay đơn giản là ngồi lại với người dân từng thôn để họp bàn công việc. Nhờ thế, anh ngày càng chiếm được lòng tin của nhân dân. Dược nhớ như in: “Ngày đầu, một số dân bản còn do dự và ái ngại cho năng lực của mình. Họ nghi ngại nói: Những người từng kinh qua chiến tranh, từng hiểu dân, hiểu nhu cầu cuộc sống đến từng chân tơ kẽ tóc còn chưa ăn ai, trẻ con như nó e chẳng làm nên trò trống gì”. Thế nhưng, sau hai năm trên cương vị Chủ tịch UBND xã A Xing, Dược đã góp phần đánh thức vùng quê nghèo khó. “Mình cố gắng để bản thân gần dân, hiểu dân và tận dụng sức mạnh của nhân dân. Dân đồng lòng thì việc gì cũng xong”, Dược bộc bạch.
Hồ A Dược cho biết: “Hiện tại, số hộ nghèo theo chuẩn mới trong toàn xã chiếm gần 45%. Trong năm tới, quyết tâm giảm thiểu con số này bình quân mỗi năm từ 4-5%”. So với nhịp độ phát triển kinh tế ở vùng khó như A Xing đặt mục tiêu giảm nghèo đến 5% quả thật là một mục tiêu chẳng dễ dàng. Nhưng nhìn vào con số thống kê những năm trở lại đây thì không phải “gã thủ lĩnh trẻ” này nói liều. Toàn xã có 416 hộ dân, ba năm trở lại đây hộ giàu, khá chiếm trên 20%. Điều đáng ghi nhận, nhờ sự năng nổ của một chủ tịch đi lên từ phong trào Đoàn, A Dược đã cùng Đảng ủy, các đoàn thể xây dựng A Xing thành một xã đi đầu trong phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao của huyện Hướng Hóa.
“Bên cạnh việc tiếp tục đăng ký học đại học luật, để khỏa lấp điểm yếu non kinh nghiệm mình luôn tranh thủ ý kiến chỉ bảo của các bậc tiền bối, lắng nghe ý kiến cấp dưới, chia sẻ tâm sự với dân… Bên cạnh đó, mình còn chú trọng đến khâu trẻ hóa đội ngũ cán bộ xã. Hiện tại, phần lớn cán bộ xã A Xing đều dưới 35 tuổi. Họ là những đầu tàu năng động, nhiệt huyết, dẫn dắt các phong trào từng thôn bản”, Dược thổ lộ về kinh nghiệm thành công của mình.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

“Trước đây, để vận động con em đến trường quả là một vấn đề nan giải. Hầu như mỗi năm có đến 60-70% trẻ trong độ tuổi không đến trường một phần do điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn. Hai năm trở lại đây, kinh tế ổn định, tư duy nhận thức của các bậc phụ huynh thay đổi, đã có 98% con em được học hành đàng hoàng, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng”, Hồ A Dược, Chủ tịch UBND xã A Xing phấn khởi nói.

 

Bình luận (0)