Hài độc thoại là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đang ngày càng được khán giả Việt Nam yêu thích không chỉ bởi những tràng cười sảng khoái mà còn nhờ vào nội dung thú vị về các vấn đề xã hội. Trong đó, Uy Lê là một diễn viên hài độc thoại nổi tiếng đồng thời cũng là “thủ lĩnh” của nhóm Sài Gòn Tếu.
Lan tỏa sự tích cực đến mọi người
Có thể nói rằng, hài độc thoại tiếng Anh vốn là loại hình biểu diễn nổi tiếng trên thế giới nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Sài Gòn Tếu là nhóm hài độc thoại tiếng Việt đầu tiên, được thành lập chính thức vào tháng 4-2020 với mục tiêu là lan tỏa niềm vui và sự tích cực đến tất cả mọi người. Tên gọi Sài Gòn Tếu đơn giản là chỉ những người con của Sài Gòn, yêu thích sự tếu táo và hài hước.
Hiện tại, Sài Gòn Tếu có 5 thành viên là Uy Lê, Tùng BT, Uy Nguyễn, Phương Nam và Hiền Nguyễn (người biên tập những video và kênh YouTube của nhóm).
Theo diễn viên Uy Lê cho biết: “Hài độc thoại (Stand-up comedy) là thể loại hài kịch trong đó nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước các khán giả, thường là tự sự về những câu chuyện hay suy nghĩ của cuộc đời mình. Những chia sẻ tuy gần gũi, nhưng qua góc nhìn hài hước của diễn viên sẽ làm khán giả phải bật cười. Trong khoảng thời gian từ 10-20 phút, người nghệ sĩ gần như phải thoại liên tục, hoàn toàn chủ động từ hình thể cho đến đài từ chứ không có những màn tung hứng cùng bạn diễn như các thể loại hài kịch khác. Khó ở chỗ, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy diễn viên phải cực kỳ thông minh, hài hước và duyên dáng để mang lại tiếng cười cho khán giả…”.
Nhớ lại những ngày đầu, 5 thành viên nhóm Sài Gòn Tếu biểu diễn trong một quán cà phê, khán giả chủ yếu là những khách hàng mua nước tại quán. Cho đến một ngày, video ghi lại tiết mục biểu diễn của thành viên Phương Nam bỗng nhiên được lan tỏa rộng, số lượng khán giả đến xem tăng lên đến khoảng 60-70 người, đến mức không đủ chỗ ngồi. Khi đó, các thành viên trong nhóm bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến việc lên kế hoạch tập luyện và biểu diễn chuyên nghiệp.
Để hoạt động đến thời điểm hiện tại, nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu luôn dựa trên tinh thần lắng nghe ý kiến của khán giả. Bởi theo Uy Lê, mỗi khi nhóm ra mắt một video hay show diễn thì đều là phép thử nên cần phải lắng nghe khán giả để có thể xây dựng những nội dung hấp dẫn.
Uy Lê lấy ví dụ ở mỗi show diễn, anh và các thành viên đều phát giấy khảo sát để thu thập phản hồi của khán giả. Từ đó, nhóm Sài Gòn Tếu sẽ đọc và thống kê thành các dữ liệu để đưa ra những ý tưởng phù hợp với sản phẩm tiếp theo. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ khi mình bắt đầu làm nghề gì đó thì thật sự phải lắng nghe khán giả để hiểu rõ mình nên phát triển thế nào cho tốt”.
Diễn viên Uy Lê bày tỏ sự may mắn khi nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ công chúng, dù nhóm còn khá non trẻ trong nghề.
Để giúp hài độc thoại trở nên phổ biến hơn với khán giả, nhóm thường xuyên tổ chức những buổi workshop: “Nghĩ hài hước”, “Viết hay ho”, “Quẩy tự tin”… để giúp mọi người khám phá những câu chuyện, lời tự sự, những điều chúng ta luôn “độc thoại” với bản thân, kể cả những tiêu cực, trăn trở… từ đó tìm ra những góc nhìn vui vẻ, hài hước để cuộc sống tích cực hơn.
Niềm đam mê hài độc thoại
Là cựu học sinh Khoa Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, chàng diễn viên 9X Uy Lê tiết lộ cơ duyên đặc biệt đến với loại hình là năm 2016, anh tình cờ tham gia một khóa học nói trước công chúng. Khi đó, Uy Lê là người hướng nội, không dám nói trước đám đông nhưng nhờ tham gia sân chơi hài độc thoại cùng những người bạn nước ngoài, nam diễn viên có thêm một hướng đi mới.
Sau thời gian học tập, Uy Lê bắt đầu đi biểu diễn ở nhiều nơi. Dần dần anh trở thành một diễn viên hài độc thoại từ lúc nào không hay. Tuy nhiên thời gian này, Uy Lê đa phần biểu diễn hài độc thoại bằng tiếng Anh. Đến năm 2020 anh và những người bạn của mình quyết định thành lập nhóm Sài Gòn Tếu với mong muốn thử sức biểu diễn hài độc thoại tiếng Việt.
Không chỉ biểu diễn trong nước, Uy Lê đã tham gia biểu diễn ở nhiều nước châu Á như: Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Anh đã nhận được những giải thưởng quốc gia và quốc tế như: Giải nhất Vietnam Comedy Competition 2018, chung kết khu vực Magners International Comedy Competition 2018, giải nhì Bangkok International Comedy Competition (BICC) 2019, giám khảo cuộc thi Vietnam Comedy Competition 2019 và 2020. Được Tạp chí The New York Times gọi tên là “Nhà vô địch hài độc thoại”… |
Theo Uy Lê, đặc trưng của hài độc thoại so với các loại hình biểu diễn khác chính là diễn viên chỉ dựa trên giọng nói và câu chuyện của mình để dẫn dắt khán giả. Tuy nhiên, diễn viên hài độc thoại không đóng vai một ai khác mà là kể những câu chuyện của chính bản thân với khán giả. Vì thế, khán giả hài độc thoại sẽ được tận hưởng không gian thật sự được chia sẻ, vì người xem không chỉ bật cười trước những câu chuyện có thật mà còn được lắng nghe thấu hiểu những suy nghĩ cảm xúc của người diễn viên. Đôi khi chính những phản ứng của khán giả cũng được diễn viên hài độc thoại nắm bắt để pha trò, tạo mảng miếng. Đó chính là những điều thú vị đặc trưng của hài độc thoại.
Tuy nhiên, diễn viên hài độc thoại đôi khi cũng đối mặt với những phản ứng tức thì khó lường của khán giả. Đặc biệt đối với hài độc thoại ở nước ngoài, việc đứng trên sân khấu biểu diễn là điều rất đáng sợ. Nếu câu chuyện của diễn viên không đủ hấp dẫn thì họ sẽ không cười, thậm chí còn phản ứng ngay lập tức như lên tiếng nhận xét “dở quá, không hay, qua tiếp đi”. Vì vậy, diễn viên hài độc thoại phải chấp nhận tất cả và với Uy Lê, anh luôn cố gắng biểu diễn hết sức mình dù chỉ trình diễn 5 hay 10 phút.
“Tôi nghĩ đó vừa là thử thách vừa là điều thú vị của hài độc thoại. Dù có sự chuẩn bị nhưng có khoảng 50% không biết chuyện sẽ xảy ra. Tôi từng diễn cho những khán giả lớn tuổi và gu hài của mỗi người sẽ khác nhau. Khi gặp những khán giả mới, tôi lại phải tìm một cách phù hợp và linh hoạt để hiểu và cảm nhận được năng lượng của họ” – Uy Lê cho biết.
Tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn
Bình luận (0)