Thầy Dũng đưa các em học sinh đi thi học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: K.A |
TP.HCM có trên 1.000 trường từ mầm non đến THPT, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có chừng đó hiệu trưởng. Với trên 1.000 hiệu trưởng nhưng những thầy cô “cầm tinh” con mèo thì không nhiều. Có lẽ tuổi mèo không có… tướng làm quan?
Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng phát hiện được hai “thủ lĩnh” tuổi con mèo. Đó là thầy Nguyễn Nghĩa Dũng và cô Lê Thị Bạch Tuyết, cả hai cùng sinh năm Quí Mão (năm 1963). Cũng như phần lớn những người đã chọn nghề giáo, thầy Dũng và cô Tuyết rất yêu học sinh, coi mái trường như chính ngôi nhà của mình vậy. Cô Tuyết vào chùa, tới các hội quán để xin… tiền mua quần áo, sách vở cho học sinh nghèo. Còn thầy Dũng, đi “tầm sư học đạo” ở nhiều nơi để bồi dưỡng học sinh giỏi…
“Chuyên gia luyện gà chọi”
Vâng! Có thể gọi thầy Nguyễn Nghĩa Dũng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình là “chuyên gia luyện gà chọi”. Bởi thầy là người đầu tiên của ngành GD-ĐT Q.Tân Bình đào tạo và bồi dưỡng ra những học sinh đi thi học sinh giỏi cấp thành phố và quốc gia. Và lần nào những học sinh của thầy cũng đem thành tích về cho Q.Tân Bình nói riêng và TP.HCM nói chung…
Theo thầy Dũng việc chọn nghề “gõ đầu trẻ” vì: “Hồi nhỏ tôi viết chữ đẹp nên được thầy cô cho viết vào vở luân chuyển. Trong đó sẽ ghi lại tất cả những lời giảng của thầy, cô trong suốt một năm học. Từ đó tôi bắt đầu thích nghề giáo, khi lớn lên thi vào Trường Trung học Sư phạm…”, thầy Dũng kể lại.
Năm 1982, thầy ra trường và được phân về dạy lớp 5 tại Trường Phổ thông cơ sở Âu Lạc, Q.Tân Bình. Lớp học của thầy khá đa dạng, ngoài những học sinh đúng tuổi (10 tuổi) còn có không ít học sinh “già” – 13, 14 tuổi. Những em này đáng lý phải học lớp 8, lớp 9 nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đi học trễ. Chẳng hạn như học sinh Chim Trấn Cường (SN 1968), nhà nghèo phải phụ cha mẹ bán hủ tiếu nên 10 tuổi mới đi học lớp 1. Vào lớp, thấy các bạn bé tí, còn mình thì lớn tồng ngồng nên lúc nào cũng mặc cảm. Để xóa đi sự tự ti của Cường, thầy Dũng đã giao cho em làm lớp trưởng. “Từ khi được giao làm lớp trưởng, Cường mạnh dạn hẳn lên, học hành cũng tiến bộ hơn”, thầy Dũng nhớ lại.
Năm 1989, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình. Lúc đó thầy đã “sốc” – “sốc” vì không còn học sinh riêng như khi làm giáo viên. Tuy làm cán bộ quản lý nhưng mỗi khi có giáo viên nghỉ là thầy “xung phong” xuống lớp dạy thế ngay.
Vào những năm đầu thập niên 90, thành tích học sinh giỏi ở TP.HCM rất yếu. Năm nào cũng bị các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội “qua mặt”. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo một số quận, trong đó có Tân Bình phải đẩy mạnh phong trào đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Vì vậy, năm 1995 thầy Dũng về làm Hiệu phó Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Buổi sáng thì làm cán bộ quản lý, buổi chiều làm giáo viên “luyện gà chọi”. Cuối năm đó, lần đầu tiên sau giải phóng, Q.Tân Bình có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Những năm tiếp theo, số học sinh giỏi quốc gia của Q.Tân Bình ngày càng tăng. Đặc biệt năm 1996 có tới 3 em đạt giải nhất.
Năm 2005, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn. Lúc ấy, trường chỉ có cái vỏ bên ngoài vì vừa được xây mới cách đó hai năm. Còn bên trong bàn ghế cũ kỹ, trang thiết bị dạy học thiếu thốn đủ thứ. Đã vậy trường cũng không có thành tích gì nổi bật nên nhiều đứa trẻ có giấy gọi vào lớp 1 ở đây đều được bố mẹ “chạy” cho sang trường khác. Để thu hút học sinh, thầy cùng giáo viên trong trường tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Song song đó, vận động phụ huynh hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất. Những bộ bàn ghế cũ kỹ đã được thay mới, tường vôi bị học sinh vẽ bậy được dán gạch men, cây xanh và hoa kiểng mọc ở khắp nơi trong khuôn viên. Theo đó, những năm gần đây, không có phụ huynh nào “chạy” đi mà ngược lại có rất nhiều phụ huynh trái tuyến “chạy” đến…
Cô hiệu trưởng “trường làng”
Cô Tuyết và học sinh của mình. Ảnh: K.A
|
Gọi Trường Tiểu học Chương Dương, Q.5 là “trường làng” quả không sai. Bởi, so với những trường khác trên địa bàn quận thì Trường Chương Dương vừa chật hẹp vừa cũ kỹ. Đã hai lần UBND Q.5 xây mới hai ngôi trường với ý định ban đầu là xây cho Trường Chương Dương nhưng khi xây xong thì lại giao cho trường khác. Và hiện tại chưa biết đến khi nào trường mới được xây mới vì đang nằm ở khu vực có dự án treo. Không chỉ có vậy, hiện vẫn còn một hộ gia đình ở trong khuôn viên nhà trường. Mỗi khi đến giờ ra chơi, học sinh chạy nhảy, trò chuyện gây ồn ào là chủ nhà lại sang “mắng vốn”. Thậm chí, trời mưa nước thấm xuống trần nhà, chủ nhà cũng đổ lỗi cho trường…
Về phía học sinh, phần lớn là con nhà nghèo với nhiều hoàn cảnh rất đặc biệt. Chẳng hạn như cha ở tù, mẹ chết, ở với bà ngoại; có em thì cha mẹ ly dị, đứa ở với cha, đứa lại ở với mẹ. Cũng có em may mắn được ở cùng cha và mẹ nhưng cha say xỉn suốt ngày nên em thường xuyên phải ăn đấm, ăn đá thay cơm…
Hiệu trưởng của ngôi trường này là cô Lê Thị Bạch Tuyết.
Năm 1983, thấy anh Tư và chị Sáu làm nghề dạy học, Tám Tuyết nối bước theo thi vào Trường Trung học Sư phạm. Vì học giỏi nên khi ra trường (năm 1984), Tuyết không phải đi vùng sâu vùng xa như các bạn mà được về dạy gần nhà – Trường Tiểu học Chương Dương.
Ngay ngày đầu tiên đặt chân tới Trường Chương Dương, Tuyết đã “bị” giao hai nhiệm vụ: chủ nhiệm lớp 3 và phụ trách công tác Đội. Cái lớp mà Tuyết chủ nhiệm là một lớp khá đặc biệt với đầy đủ thành phần học sinh như quậy, học dở và con nhà nghèo. Trước khi Tuyết về làm chủ nhiệm, một phần do thiếu giáo viên, một phần “không ai thèm” chủ nhiệm nên cô kế toán của trường phải “giữ” giùm.
Là giáo viên mới, chưa có kinh nghiệm, người thì chỉ nặng 30kg nên cô Tuyết khá lo lắng và đã từng phải khóc trước mặt học sinh. “Vào lớp, cô ở trên bảng cứ ra rả giảng bài, còn học trò ở dưới thì tụm năm tụm ba lại nói chuyện. Tôi thấy mình thật sự bất lực và bật khóc. Lúc đó, cả lớp im lặng, rồi một em đứng lên thay mặt các bạn xin lỗi cô và hứa là sẽ ngoan. Từ đó các em ngoan thật”, cô Tuyết nhớ lại.
Năm 2003, cô lên làm Hiệu trưởng. Cũng ngôi trường đó, cũng những đồng nghiệp đó và những gương mặt học sinh thân quen ấy nhưng cô thấy trách nhiệm của mình thật nặng. Đối tượng “chăm sóc” của cô bây giờ không chỉ là 35 học sinh nữa mà là gần 1.000 em và vài chục giáo viên, công nhân viên. Việc dạy chữ cho học sinh đã có giáo viên lo nhưng để các em được đến trường mỗi ngày, được vui vẻ hòa đồng với các bạn thì không thể giao hết cho giáo viên chủ nhiệm mà phải là Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là Hiệu trưởng. Theo đó, mỗi năm vài ba lần, cô tới các chùa, hội quán và tới cả nhà ba mẹ, anh chị em trong gia đình để xin tiền. Khi thì 3 triệu đồng, khi thì 5 triệu đồng để mua quần áo, sách vở… cho những học sinh nghèo.
Trong trường có bao nhiêu học sinh sống trong cảnh thiếu cha, thiếu mẹ hay thiếu cả cha lẫn mẹ, cô đều biết hết. Những em này vừa cần sự giúp đỡ về vật chất, vừa cần sự giúp đỡ về tinh thần. Giúp được em nào, cô đều cố gắng giúp. Trong thâm tâm của cô chỉ mong sao mỗi ngày các em đến trường thật sự là một ngày vui.
Kim Anh
Bình luận (0)