Bỏ trồng rau, chuyển sang trồng cây lan bạch trinh, mỗi năm ông Lương Mạnh Hùng ở Vĩnh Long thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Ông Lương Mạnh Hùng (56 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết cây lan bạch trinh ông trồng có nguồn gốc từ Nhật, do một người cùng ấp mang về. Ban đầu thấy đẹp nên một số hộ chia giống về trồng, chủ yếu để làm kiểng. Dần dà, nhu cầu trồng trang trí tại các công viên, công trình công cộng ngày càng nhiều nên loại cây này phát triển mạnh ở địa phương trong vài năm gần đây.
Ông Hùng kể trước đây xã Phước Hậu có HTX rau sạch, cung cấp nhiều loại rau cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thấy vậy, nhà nhà đều trồng rau, nhưng giá cả thường xuyên bấp bênh, lại thêm sâu hại tấn công, thu nhập của bà con không ổn định. Nhà ông cũng trồng 1,5 công (1 công = 1.000 m2) rau tía tô và rau cải, cực công chăm sóc rất nhiều nhưng hiệu quả không cao, nguồn thu nhập thấp, cuộc sống gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Năm 2006, nhận thấy nhu cầu thị trường lan bạch trinh có tiềm năng, ông Hùng chuyển sang trồng thử nghiệm và kết quả bước đầu khá khả quan. Đến năm 2013, ông quyết định mở rộng diện tích trồng, nhiều hộ thấy vậy đâm lo cho ông và khuyên can vì không biết giá cả, đầu ra có ổn định hay không. Tuy vậy, ông tự tin nhân giống trồng và hiện là hộ trồng lan bạch trinh nhiều nhất xã với 5,5 công.
Theo ông Hùng, loại cây này dễ trồng, ít tốn phân, cây phát triển tốt trên đất cạn và ruộng, không sợ nắng hạn, mưa lũ kéo dài. Người trồng chỉ tốn chi phí thuê nhân công thu hoạch, khoảng 200.000 đồng/ngày, vì đòi hỏi phải thật cẩn thận để không ảnh hưởng đến sức sống của cây. Sau khi trồng khoảng 5 tháng là có thể thu hoạch đợt đầu, nếu dưỡng gốc để có củ lớn thì hơn 3 tháng cây sẽ “nhảy bụi” và có thể tách cây con để bán. “Mỗi năm, lan bạch trinh cho thu hoạch 2 vụ. Thời gian qua, thương lái thu mua với giá trên dưới 4.000 đồng/củ. Nhờ giá cả và đầu ra ổn định nên mỗi công lan bạch trinh cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm, tính ra mỗi năm gia đình tôi thu lợi hơn 500 triệu đồng”, ông Hùng cho biết.
Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình, ông Hùng còn nhiệt tình hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng và tìm nguồn tiêu thụ lan bạch trinh. Ông Lê Thanh Nghiệp (64 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi B) cho biết trước đây nhà có vườn nhãn nhưng do dịch bệnh chổi rồng hoành hành nên đã đốn bỏ. Nhờ sự hướng dẫn của ông Hùng, ông chuyển sang trồng 4 công lan bạch trinh, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo ông Thái Quang Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hậu, xã hiện có nhiều hộ dân trồng lan bạch trinh, riêng ấp Phước Lợi B trồng nhiều nhất với hơn 185 hộ (chiếm 50% số hộ trong ấp). Điều đáng mừng là loại cây này có đầu ra ổn định, cho thu nhập khá cao nên đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Ông Hùng cho biết thị trường tiêu thụ lan bạch trinh chủ yếu ở TP.HCM và các đô thị lớn. Đặc biệt khoảng một năm nay, nhu cầu trang trí công viên, resort… ngày càng cao nên nguồn cung từ nhà vườn tỉnh Đồng Tháp không đáp ứng đủ, một số người phải qua Vĩnh Long mua thêm. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở hoa kiểng Hậu Minh ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), vừa đến gặp ông đặt mua 20.000 củ lan, giao trong vòng 1 tuần để cơ sở này cung cấp cho khách hàng ở H.Phú Quốc (Kiên Giang). Do số lượng đơn hàng quá lớn, vườn nhà không cung ứng đủ, ông phải thu gom từ các nhà vườn lân cận mới đủ giao. Ông dự đoán từ nay đến tết, thương lái sẽ thu mua nhiều, hy vọng giá cả khá hơn thì người trồng lan bạch trinh ăn tết “khỏe”.
Bạn đọc muốn học hỏi kinh nghiệm trồng lan bạch trinh của ông Hùng, có thể liên hệ số điện thoại 01215922661.
|
Thanh Đức (TNO)
Bình luận (0)