Thưa các bậc phụ huynh, phải khó khăn lắm tôi mới dũng cảm viết ra lá thư này bởi vì sau khi tá hỏa “chạy” cho con vào lớp 1 mà nó vẫn trượt, tôi đã rất nản và buồn phiền. Cuối cùng đứa con là “nạn nhân lớp 1” của tôi đã phải về học “đúng tuyến” ở trường làng.
Tới tấp lo cho con vào lớp 1 trường điểm là hình ảnh mà nhiều năm nay vẫn diễn ra ở Hà Nội. Những phụ huynh chúng ta cố gắng chọn cho con trường tốt, đúng là chẳng kém việc chữa bệnh nan y, vái lạy tứ phương. Mỗi người đều cố gắng vận dụng tất cả các phương án, tận dụng mọi mối quan hệ quen biết, từ người thân, bạn bè, cô giáo, hiệu trưởng và cả các cán bộ làm hộ khẩu…
Thế nhưng, không phải cứ muốn mà được. Nhiều người “cơ yếu” thì đành phải chịu thua và chấp nhận đưa con về học trường mà họ cho là… làng nhàng. Và tôi biết, cũng như vợ chồng tôi, những bậc phụ huynh này cũng đang ngồi buồn rười rượi.
Thưa các bậc phụ huynh, chuẩn bị bước vào lớp 1, đó là thời gian mà con cái chúng ta còn đang rất hồn nhiên, ham chạy nhảy, và thiên về phát triển tự nhiên. Đáng ra chúng chưa phải “bận tâm” nhiều về việc học hành căng thẳng, việc chạy đua trường lớp, cạnh tranh bạn bè… để được vào các trường “top trên”.
|
Phụ huynh luôn cố gắng để con em mình được học trường điểm. Ảnh minh họa
|
Việc “mong” cho con vào trường “xịn” ở Hà Nội là ý của chính tôi và các anh chị. Thực sự chính chúng ta đang thay đổi, nếu không muốn nói quá rằng phá vỡ đi sự phát triển tự nhiên của con em mình. Phải bình tâm lắm tôi mới nhận ra điều đó và tôi cũng thấy nhiều phụ huynh ân hận vì đã ép buộc con cái mình chạy theo cái guồng của xã hội. Chạy đua theo trào lưu của xã hội chỉ mang lại căng thẳng, áp lực rất lớn và không cân bằng với tâm lý và tư duy của các con.
Khoa học đã chứng minh trẻ em sẽ làm quen tốt hơn với việc thực hiện phép tính khi bước vào lớp 1. Nhưng nếu xác định cho con thi vào trường điểm thì con cái chúng ta buộc phải biết làm tính khi chưa đến tuổi vào lớp 1, hoặc phải học tiếng Anh khi chưa biết tiếng Việt… để có thể vượt qua kì thi vào trường mà chúng ta mong muốn. Thật tội nghiệp cho con cái chúng ta quá!
Thưa các anh chị, những người đang có con học lớp 1 và những người chuẩn bị tư tưởng gò ép, tôi luyện con cái mình. Tôi đã hỏi một số người, khi con họ đã yên vị trong trường, họ mới nhận ra việc chọn trường cho con thực ra chỉ là tương đối thôi. Quan trọng là nơi đó phù hợp với con, con yêu thầy, mến bạn. Còn chúng ta lại chỉ chú ý đến trường tiểu học nổi tiếng, trường điểm.
Chúng ta lại có hàng loạt tiêu chí kèm theo với trường như gần nhà, tiện đưa đón, điều kiện bán trú, bệnh thành tích của trường đến đâu, sĩ số lớp, lượng học sinh được tuyển, phương pháp giảng dạy, cách điều hành của hiệu trưởng… khiến cho việc chọn trường càng thêm gian nan. Chúng ta đã "săn" trường, "săn" lớp, "săn" cả giáo viên giỏi.
Tôi và các anh chị đều biết khi đi xin học cho con, hầu như trường nào cũng có một lớp rất tốt, con em giáo viên hay được ưu tiên, nhưng biết đó là lớp nào rất khó. Cuộc đua vào lớp 1 sau khi qua vòng trường sẽ quay đến vòng lớp. Cuộc đua vào lớp có cô giáo dạy tốt sẽ còn dữ dội hơn nữa bởi lâu nay, phụ huynh vẫn lưu truyền nhau lời khuyến dụ: Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường! Trời ơi, nghĩ mà thấy thật khủng khiếp.
|
Ảnh minh họa
|
Chúng ta hãy nhìn lại xem con cái của chúng ta thi vượt rào vào lớp 1 phải trải qua cuộc thi sát hạch gay go như thế nào. Có trường, ngoài việc phải vượt qua các bài kiểm tra liên quan đến nhận biết về ngôn ngữ (tiếng Việt), tư duy toán học, tiếng Anh, kiểm tra năng lực quan sát, ghi nhớ, diễn đạt, trẻ phải qua phần kiểm tra sức khỏe (cân nặng), không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp.
Thời gian ở lại tại trường trong một ngày, khi trẻ ăn, ngủ, chơi, giao tiếp với bạn bè, cũng là lúc hội đồng tuyển sinh tiếp tục quan sát để chấm điểm. Với cái kiểu kiểm tra vượt rào vào lớp 1 như các trường tiểu học hiện nay, thì có khi lại không ít nơi mọc lên các lò luyện thi vào lớp 1 tăng cường, lò luyện thi vào lớp 1 cấp tốc…
Giờ tôi muốn tự hỏi mình và hỏi các vị: Con cái chúng ta phải chịu khổ sở như vậy là do đâu?. Chúng ta phải cùng nhau tìm cho ra câu trả lời, bởi lẽ trước khi mong cho các con tài giỏi, tôi tin chắc rằng điều quan trọng đầu tiên các phụ huynh mong muốn đó là con cái mình được vui khỏe. Vậy thì tại sao chúng ta lại muốn con mình phải chịu áp lực như vậy ngay khi vào lớp 1.
Nỗi khổ này do ai đem đến cho các con? Có phải là do giáo trình lớp 1 và cấp tiểu học của Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra không?. Theo tôi biết, Bộ cho rằng chương trình là vừa sức, nên mới có văn bản cấm dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non. Vậy thì ai bắt các con phải khổ thế?. Có phải do nhà trường và cô giáo muốn các con chúng ta biết đọc, viết, biết làm toán, biết nói tiếng Anh… sớm hơn, giỏi hơn, đẹp hơn không?. Nếu vậy thì là “hơn” ai ở đây?. “Hơn” các bạn cùng lứa ở các trường khác?. Và “hơn” để làm gì?. Để cho thành tích của cô, của nhà trường có bề dày “hơn” chăng?. Nếu Bộ đã cấm dạy trước ở cấp mầm non thì đương nhiên con cái chúng ta phải thuộc vào lớp 1.
Thưa các phụ huynh, cũng bởi tâm lý của chính các vị. Khi các vị quá giàu có, các vị muốn con mình phải vượt trội, phải “biết đủ thứ” theo kiểu cầm đèn chạy trước ô tô. Các vị muốn con mình có “đẳng cấp”. Nhiều người có tâm lý này sẽ dẫn đến các cuộc đua ồn ào, gấp gáp thành làn sóng trong xã hội như kiểu cạnh tranh khốc liệt ở các kỳ tuyển sinh đại học. Các vị gửi con vào các lớp học thêm, rèn luyện. Các vị cố nhồi nhét vào đầu con trẻ những thứ mà chúng chưa nên học để thỏa mãn ý nghĩ “đẳng cấp” của các vị, rồi người khổ nhất vẫn là con cái của chúng ta.
Tôi thì đã ân hận rồi, thưa các phụ huynh. Giờ tôi muốn con tôi được thoải mái, được sống hồn nhiên, được chơi và học theo khả năng của nó. Xin các vị cũng nên thoải mái, bình tâm lại để nghĩ xem, con cái chúng ta đang cần gì. Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các vị đã nghe tôi tâm sự.
Theo Thúy Thúy
(phapluatvn)
Bình luận (0)