Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thử nghiệm phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ 2017

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện các trường ĐH, CĐ phía Nam thử nghiệm phần mềm tuyển sinh

Sáng 3-6, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi thử nghiệm phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Theo đó, có 22 trường ĐH, CĐ phía Nam tham gia. Các trường trực tiếp chạy thử nghiệm mô đun trên máy tính, trên cơ sở đó thảo luận, đóng góp để hoàn thiện phần mềm sử dụng chung phục vụ cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 sắp tới.

Phát biểu tại buổi thử nghiệm, TS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Do năm nay phương án thi được công bố sớm từ đầu năm học 2016-2017 nên các địa phương đã nắm kế hoạch, có sự chuẩn bị để hoàn tất các khâu tổ chức. Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra một số địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đều thực hiện nghiêm túc, huy động nguồn lực tốt nhất đảm bảo cho các trường ĐH sử dụng kết quả thi. Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng đã có kế hoạch cử đủ số lượng cán bộ tham gia coi thi. Bộ cũng đã xây dựng ngân hàng đề thi đầy đủ làm cơ sở biên soạn đề thi năm nay. Trong quá trình đó, bộ đã 3 lần ban hành đề minh họa để giáo viên, học sinh và phụ huynh tiếp cận làm quen với cấu trúc đề thi mới.

Về tính nghiêm túc và trung thực của kết quả thi, năm nay mỗi thí sinh (TS) có 1 mã đề riêng, mỗi phòng chỉ có 24 TS nên các em không thể trao đổi bài. Mỗi phòng thi có 1 giáo viên ĐH, 1 giáo viên phổ thông để đảm bảo việc coi thi nghiêm túc. Chấm thi theo hình thức trắc nghiệm, sử dụng phần mềm nên không ai can thiệp được.

Việc sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế tối đa lượng TS ảo, tạo điều kiện cho TS có điểm số cao trúng tuyển đúng ngành mình mong muốn, tránh những trường hợp điểm cao nhưng lại vào ngành có đầu vào thấp. Năm nay, các trường ĐH chia làm 2 nhóm xét tuyển lớn, trong đó nhóm phía Bắc có sự tham gia của 54 trường và nhóm phía Nam  có 72 trường. 

Việc xây dựng phần mềm đã được Bộ GD-ĐT tiến hành từ khi có phương án tuyển sinh và căn cứ trên đề xuất của các nhóm với nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ các trường. Việc quyết định điểm chuẩn, danh sách do chính các trường quyết định. Từng trường tự xây dựng danh sách trúng tuyển dự kiến, sau đó đưa lên phần mềm để lọc, đảm bảo mỗi TS trúng tuyển nguyện vọng cao nhất trong danh sách các em đăng ký. Tiếp theo nhóm trường sẽ đưa kết quả trúng tuyển dự kiến lên cổng phần mềm của Bộ GD-ĐT để ra kết quả cuối cùng.

Hàn Giang

Bình luận (0)