Có tới 70% người bán dâm sau khi được đưa vào các trung tâm xã hội tiếp tục tái phạm. (Ảnh minh họa). |
Nhiều con số thống kê được đưa ra trong dịp tổng kết 5 năm pháp lệnh phòng chống tệ nạn mại dâm (2003-2008) của Cục phòng chống tệ nạn xã hội – Bộ LĐ,TB&XH cho thấy thực trạng “khó trị” của tệ nạn này.
70% gái bám dâm “ngựa quay đường cũ”
Cục phó Cục phòng chống tệ nạn xã hội, ông Lê Hiền Đức khái quát: So với thời kỳ trước năm 2003, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thời gian gần đây, hoạt động môi giới bán dâm thông qua các đường dây gái gọi, Internet nên rất khó kiểm soát. Tại các thành phố lớn đã hình thành các đường dây do người nước ngoài cấu kết với đối tượng tại địa phương tổ chức mại dâm, môi giới mại dâm cho người nước ngoài qua biên giới đang có chiều hướng gia tăng.
Năm 2008, lượng gái bán dâm trên cả nước ước tính gần 31.000 người, tăng 0,9% so với năm 2003, trong đó chỉ có 50% có hồ sơ quản lý. TPHCM, Hà Nội vẫn là các địa phương đứng đầu vệ tệ nạn xã hội. Hà Nội hiện có khoảng 4.500 phụ nữ có biểu hiện hoạt động bán dâm tại các cơ sở dịch vụ nhạy cảm, còn TPHCM có khoảng 20.000 người. . |
Hiệu quả của công tác phòng chống mại dâm dường như đang phản ánh kết quả ngược khi số người bán dâm tăng trong những năm qua nhưng lượng người được đưa vào các trung tâm xã hội lại giảm. Năm 2003 “gom” được trên 3.700 gái bán dâm nhưng năm 2008 chỉ trên 1.500 người.
Ngoài ra, qua thống kê cũng cho thấy có tới 70% người bán dâm sau khi được đưa vào các trung tâm xã hội tiếp tục tái phạm. Đa số người hành nghề này đều có trình độ văn hóa, tay nghề thấp, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, thả ra, họ lại trở về con đường cũ.
Theo thống kê, dân bán dâm “chuyên nghiệp”, vì động cơ kiếm tiền đang có xu hướng gia tăng. Bình quân thu nhập người bán dâm khoảng 3-5 triệu đồng tháng, thậm chí không ít người kiếm được tới trên 10 triệu đồng, khó chuyển đổi nghề nào có mức thu nhập tương ứng. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ người bán dâm học nghề, tìm việc làm lại rất hạn chế.
Theo thống kê, tới 60% đối tượng bán dâm xuất thân từ nông thôn, số từ thành thị có xu hướng tăng, số không có nghề nghiệp chiếm 50%. Độ tuổi của người hành nghề cũng ngày càng trẻ hóa, dưới 18 tuổi chiếm 15,3%, 18-25 tuổi: 42%, 25-35 tuổi: 35%.
“Đánh” vào khách mua dâm
Tìm giải pháp cho tệ nạn ngày càng phức tạp này, bà Đỗ Kim Xuân – Trưởng phòng chính sách 05 – Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, vấn đề là xác định đối tượng. Theo bà Xuân, nói đến mại dâm, dư luận xã hội chỉ tập trung chỉ trích người phụ nữ hành nghề bán hương sắc. Các đối tượng khác như người mua dâm, tổ chức môi giới mại dâm ít bị nhắc đến. Trưởng phòng chính sách 05 cho rằng như vậy là không công bằng.
Theo quy định, người mua dâm khi bị bắt quả tang chỉ bị phạt hành chính bằng cảnh cáo hoặc phạt tiền là quá nhẹ, không công bằng với người bán dâm. Tương tự, là các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ để môi giới hoạt động mại dâm.
Phân nhóm đối tượng khách mua dâm, hơn 70% làm nghề tự do, không nghề nghiệp. 16% là người kinh doanh, buôn bán, chủ doanh nghiệp – đối tượng thường gắn với những đường dây gái gọi cao cấp. Cán bộ công chức cũng chiếm 3%.
Về chế tài xử lý, nhiều hành vi liên quan hoạt động mại dâm đã được xác định là vi phạm pháp luật, nhưng hiện chưa có biện pháp hoặc có nhưng không đầy đủ. Với các đối tượng có hành “khiêu dâm”, “kích dục”, “dâm ô” cũng như hành vi tiếp tay, che giấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng cho các hoạt động này, nhiều trường hợp “bắt tận tay” vẫn khó xử.
Theo NĐ 163/CP, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, giáo dục người bán dâm và người có các hành vi liên quan đến mại dâm. Nhưng trong thực tế, các đơn vị này không thể quản lý vì các đối tượng bán dâm thường vi phạm ở các địa bàn khác.
Để tránh chồng chéo về quy định, Bộ LĐ,TB&XH dự định kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành luật phòng chống mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em thay cho pháp lệnh phòng chống mại dâm hiện hành.
P.Th (dantri.com.vn)
Bình luận (0)