Theo tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động khu vực nhà nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2.795.800đ, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng này cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (10,27%), nên thu nhập thực tế đã tăng lên (khoảng gần 1,7%).
Thu nhập của lao động cũng được phân theo ngành và phân theo cấp quản lý có sự khác biệt đáng quan tâm. Đó là thu nhập của ngành cao nhất gấp 2,1 lần mức bình quân chung và gấp 3,1 lần ngành thấp nhất. Ngành khoa học và công nghệ cả năm trước đứng thứ 6, nay vượt lên đứng thứ 5 nhờ “khoán 10” trong khoa học. Ngành giáo dục và đào tạo năm trước đứng thứ 11, năm nay tụt xuống đứng thứ 12, thấp hơn mức bình quân chung.
Theo cấp quản lý, lao động thuộc Trung ương quản lý đạt 3.609.700đ, cao gấp gần 1,6 lần mức 2.273.100đ của địa phương. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập của lao động thuộc Trung ương quản lý tăng cao hơn lao động thuộc địa phương quản lý (15,1% so với 9,3%). Theo đó lao động thuộc địa phương quản lý bị sụt giảm do tăng thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng.
* Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Minh Huân vừa yêu cầu tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, UBND các tỉnh, thành tăng cường quản lý lao động theo chỉ thị 22 của ban bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, cần nắm nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ tình trạng khan hiếm lao động cục bộ, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm; tăng cường thanh tra các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có biểu hiện vi phạm pháp luật lao động, cương quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.
Đối với chính quyền địa phương, cần có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây rối, làm mất trật tự công cộng, cản trở người lao động vào làm việc, hoặc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Bình luận (0)