Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thu nhập tháng Tết của giáo viên năm nay có khá hơn năm trước?

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh quan tâm, giáo viên được… nhờ
Tại một số địa phương, giáo viên cũng được nhận đều mỗi người dăm chục, một trăm nghìn từ khoảng “tiền Tết” do tỉnh (thành) hỗ trợ. Tuy nhiên, số tỉnh (thành) “quan tâm” và có điều kiện “quan tâm” đến giáo viên của địa phương vào dịp Tết cũng không nhiều.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông ông Phan Văn Bé cho biết: Theo thông lệ hằng năm, dịp Tết Nguyên đán năm nay mỗi cán bộ, giáo viên trong tỉnh có được 100.000đ/ người. “Ở Đắk Nông có khoảng 7.000 cán bộ, giáo viên và theo tôi được biết thì ngoài số tiền này, không thấy có trường nào báo cáo là thưởng Tết cao hơn cho giáo viên. Cán bộ, giáo viên ngành giáo dục phần lớn có lòng tự trọng cao, đi xin tiền chỗ này chỗ kia để thưởng tết cho cán bộ, giáo viên là không thích”. “Là lãnh đạo Sở tôi chỉ mong muốn giáo viên có được thu nhập tương xứng với công sức lao động bỏ ra, chứ không mong gì hơn, càng không mong được nơi nào đó cho thêm tiền để tăng tiền Tết cho cán bộ, giáo viên. Phóng viên thử xem 100.000 thưởng Tết cho mỗi người thì mua được gì cho dịp Tết, mua được bao nhiêu ký gạo nếp?”
Không tính ngành giáo dục địa phương được hỗ trợ nhiều hay ít, song một chút “thưởng Tết” để động viên người thầy có vẫn còn hơn không.
Vùng khó chẳng mong chuyện… thưởng Tết
Tại các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển không mạnh, chuyện thưởng Tết cho giáo viên trở thành một món “xa xỉ”, hiếm thấy. Bà Bùi Thị Thanh (Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Cao Bằng) cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy có tiền thưởng Tết cho giáo viên. Bây giờ tự chủ tài chính, nguồn duy nhất trông vào là từ ngân sách Nhà nước, chi còn không đủ thì không thể tiết kiệm để thưởng Tết. Ở Cao Bằng, gần 90% chi do Trung ương hỗ trợ, địa phương tự cân đối chỉ được khoảng có 10%, số kinh phí này trả lương đã hết khoảng 70%, chi cho các hoạt động khác khoảng 30% còn không đủ”. Thực hiện “khoán chi”, phải tiết kiệm được thì mới có những khoảng tiền chi cho dịp lễ. Nhưng thực tế là không tiết kiệm được, bởi thời gian qua nhiều khoản chi phải tăng do giá cả thị trường tăng, giá cả nguyên vật liệu xây dựng cơ sở vật chất nhà trường tăng, công tác phí tăng… chi còn không đủ thì không thể tiết kiệm để dư ra được.
Trong khi đó ngành giáo dục của một tỉnh miền núi như Cao Bằng cũng không tìm được kinh phí từ các nguồn khác ngoài Nhà nước, nguồn từ xã hội hoá giáo dục rất ít, doanh nghiệp của tỉnh cũng có quỹ phúc lợi nhưng không đáng kể, doanh nghiệp nhỏ, không có điều kiện để hỗ trợ cho giáo dục. Tới thời điểm này Sở không có báo cáo gì từ các trường về thưởng Tết, có thể một số trường ở thị xã được hội cha mẹ học sinh hỗ trợ thì có một chút tiền cho giáo viên dịp Tết.
Nói về khó khăn của giáo viên vùng cao trong dịp Tết sắp tới, bà Thanh cho biết: Ở vùng cao các giáo viên chủ yếu thiếu thốn về tinh thần, còn điều kiện để chi tiêu mua sắm cũng không nhiều lắm, mặc dù cũng có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút… “Theo tôi về tài chính đối với giáo viên vùng cao vào dịp Tết thì không đáng lo lắm, thậm chí ở vùng thuận lợi hơn thu nhập của giáo viên còn thấp hơn giáo viên vùng cao. Tuy nhiên, bây giờ cũng có mấy ai xung phong hay thích đến vùng khó để dạy, dù biết sẽ có thêm những khoản phụ cấp đáng kể”.
Ông Nguyễn Khắc Hào (Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) khẳng định: Với những khu vực khó khăn nhất như ở 4 huyện miền núi của Hà Tĩnh thì chắc nhiều trường cũng không có được tiền thưởng Tết cho giáo viên. Thực hiện khoán chi thì đã theo định mức, nếu công đoàn có kế hoạch và nhà trường tiết kiệm được trong chi thì mới có tiền để lễ Tết. Tuy nhiên, “đối với các khu vực này nói đến tiền Tết cho cán bộ, giáo viên thì khó khăn lắm. Xã hội hoá giáo dục ở vùng kinh tế khó khăn cũng không huy động được hỗ trợ từ nhân dân. Sở đang có ý tưởng, nếu có khoản tiền nào đó thì sẽ đến 4 huyện miền núi khó khăn nhất, đến xã, trường nào đó để chúc Tết và trao chút quà Tết (khoảng 100.000 hay vài chục nghìn cho mỗi giáo viên), song vẫn chưa biết trông vào khoản tiền nào để thực hiện, xót xa lắm. Chủ yếu về tiền Tết là do các trường xoay xở được ít nào hay ít đấy”.
Phóng viên đã trao đổi với Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) một trong những huyện khó khăn nhất ở Hà Tĩnh về chuyện thưởng Tết năm nay, Trưởng phòng Phạm Ngọc Minh thông tin rằng: Cho đến thời điểm 9/1 thì Phòng Tài chính huyện Hương Khê vẫn chưa phối hợp với Phòng GD&ĐT để có thông báo về nhiệm vụ chi năm 2009 cho các trường trong huyện. “Chúng tôi đang lo ngại không biết có lấy được tiền lương tháng 1 cho giáo viên trước Tết Nguyên đán hay không?”. Ông Minh cũng cho biết, các trường thuộc vùng 135 ở Hương Khê đang thắc mắc với Phòng GD-ĐT huyện về việc chưa được hưởng đầy đủ phụ cấp thu hút theo Quy định của Chính phủ đối với cán bộ, giáo viên vùng 135. “Việc này không biết Sở Tài chính tỉnh làm thế nào, Phòng GD-ĐT Hương Khê đang phải làm công văn sang phòng tài chính của huyện để có công văn trả lời các trường về vấn đề này”. Ông Minh cũng cho biết theo thông lệ thì gần Tết Nguyên đán, cán bộ, giáo viên ở những vùng khó khăn có một khoảng để dịp Tết trông vào, đấy là mỗi cán bộ, giáo viên được hưởng thêm 1 tháng lương (tháng lương 13 trong năm). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ngay lương tháng 1 còn chưa có để trả cho giáo viên. Theo Phòng GD&ĐT Hương Khê, ở huyện này trường nào “mạnh tay” thì mới chi “thưởng Tết” được cho cán bộ, giáo viên từ 20.000đ đến 50.000đ/ người. Việc thưởng Tết ngoài tiết kiệm từ chi ngân sách rất hiếm hoi vì khó tiết kiệm nổi.
Thưởng Tết cho giáo viên: Thành thị “dễ thở” hơn?
Thực tế về chuyện thưởng Tết, tiền Tết cho giáo viên đang đặc biệt khó khăn đối với các địa phương, vùng khó khăn về kinh tế. Còn ở thành thị chuyện thưởng Tết nghe chừng “dễ thở” hơn.
Ông Nguyễn Khắc Hào (Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) cho biết thêm: Ở Hà Tĩnh chỉ có những trường nào ở thành thị, vùng thuận lợi thì mới lo được cho giáo viên tiền ăn Tết. Chẳng hạn, khu vực thành phố thì cũng có những trường THPT thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/ người; trường THCS thì có trường cũng lo được vài trăm nghìn/ người; ở tiểu học thấp hơn khoảng trên dưới 100.000; còn mầm non có những trường chỉ chi được tiền Tết cho cán bộ, giáo viên mỗi người vài chục nghìn. Tuy vậy, vẫn là có tiền Tết cho cán bộ, giáo viên.
Không được hỗ trợ từ địa phương về tiền Tết, song các trường học ở khu vực thuận lợi vẫn còn có khoản để “thưởng” dịp Tết cho giáo viên. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuý (Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội), qua thực tế cơ sở tại các trường học ở Hà Nội, lãnh đạo và cán bộ Sở thấy rằng các trường hiện nay đều phải tự lo tiền Tết cho giáo viên. “Các trường tiểu học thì còn đỡ hơn vì còn trông vào các nguồn: Bán trú, xã hội hoá giáo dục, hội cha mẹ học sinh… Càng lên các cấp học trên thấy trường công lập càng nghèo, nhất là các trường THPT chuyên, thu học phí thì thấp, sĩ số học sinh trong mỗi lớp thì ít… lấy đâu ra nhiều tiền để rút ra thưởng Tết”. Bà Thuý cũng cho biết, các trường công lập thường quan tâm đến đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, “tiền nhà nước đầu tư chi còn không đủ làm sao tiết kiệm được và cũng chẳng có khoản nào gọi là chi chính thức cho dịp Tết Nguyên đán”.
Hà Nội cũng có thực tế giống ở một số thành phố lớn khác, đó là các trường tư thục, dân lập (trường ngoài công lập) có điều kiện “chi” cho giáo viên dịp Tết theo cân đối của nhà trường hơn hẳn các trường công lập. Trong khi các trường ngoài công lập có thể chi tiền Tết cho mỗi cán bộ, giáo viên từ tiền trăm đến tiền triệu thì ở các trường công lập chi cho “hoạt động” nào cũng phải “giải trình”, phải “cực kỳ hợp lý”, “chứ không phải cứ tiết kiệm được trong khoán chi là có thể lấy tiền về để thưởng Tết cho giáo viên”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết ở Hà Nội, nhiều trường công lập cũng đã lo được cho cán bộ, giáo viên các “khoản lĩnh” vào dịp Tết Nguyên đán khoảng vài trăm nghìn/ người. Trong khi đó không ít trường ngoài công lập “thưởng Tết” cho cán bộ, giáo viên tiền triệu. Có nhà trường đã được Hội cha mẹ học sinh hỗ trợ cho mỗi cán bộ, giáo viên 500.000đ vào dịp Tết Nguyên đán, cộng với khoản tiền “thưởng” từ nhà trường thì mỗi cán bộ, giáo viên được thêm trên dưới 1 tháng lương vào dịp Tết.
Con số về tiền thưởng Tết trong các trường học quả thực đa dạng. Tuy nhiên, như bà Minh Hải (Hiệu trưởng Trường tư thục Minh Hải, Hà Nội) nhận xét thì “đôi khi không thể so sánh số tiền thưởng Tết giữa trường này với trường kia”. Chỉ thấy một thực tế là ở rất nhiều địa phương, nhiều trường học không có khả năng thưởng Tết cho giáo viên với mức năm nay nhiều hơn năm trước.
Hoàng Minh (Giáo dục & Thời đại)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)