Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thu nhập trình độ ĐH chỉ hơn sơ cấp trên 1 triệu đồng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tìm thông tin việc làm trong ngày hội diễn ra ngay tại trường

Trong quý 2/2018, lao động làm công hưởng lương trình độ ĐH có thu nhập cao nhất (7,87 triệu đồng), tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp (6,51 triệu đồng). Có thể thấy, mức chênh nhau giữa thu nhập của 2 trình độ này chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng.

Thông tin này được nêu ra tại tọa đàm “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh năm 2019” do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) tổ chức ngày 30-11 ở TP.HCM.

Bên cạnh đó, thu nhập của tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật đều giảm so với quý 1/2018, trong đó giảm cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp và nhóm có trình độ ĐH trở lên.

Quý 2/2018, dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 72,51 triệu người, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm ngoái; nữ tăng 0,58%; khu vực thành thị tăng 3,91%. Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,12 triệu người; tăng 1,1% so với quý 2 năm ngoái. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên là 76,55%, tăng so với cùng kỳ năm trước, song đã giảm nhẹ so với quý 1 năm 2018.

Cũng tại đây, giáo dục – đào tạo được cho là phải biến đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Đối với người lao động, không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi bằng cách tích cực học hỏi, đào tạo, dự đoán các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa. Kiến thức và kỹ năng mà người lao động trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc phải có sẽ liên quan đến công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, thống kê, khả năng tương tác với các giao diện hiện đại (người – máy, người – robot); quản lý thời gian, làm việc nhóm, thích ứng với sự thay đổi…

Vấn đề hướng nghiệp cũng được các đại biểu tập trung đề cập. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng, công tác hướng nghiệp bên cạnh thực hiện với học sinh THPT cần mở rộng và làm bài bản với học sinh THCS vì nhiều em sẽ không học chuyển tiếp cấp 3 mà học nghề sơ cấp, trung cấp… Để hướng nghiệp hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm từ học sinh, phụ huynh, nhà trường và các doanh nghiệp. Trong đó, phía cơ sở đào tạo cần bám sát thị trường lao động và nguồn nhân lực, tạo sự hấp dẫn ở nội dung chương trình đào tạo, ngành nghề, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, mang tính thực tiễn cao.

“Để công tác hướng nghiệp, đào tạo ngành nghề hiệu quả, cần có một hệ thống thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực cho các ngành nghề ở hiện tại, tương lai một cách đầy đủ, thống nhất. Nhà nước cần thành lập một cơ quan quốc gia có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng trong việc thu thập xử lý, phổ biến thông tin về thị trường lao động lẫn dự báo nguồn nhân lực” – ông Tuấn đề xuất.

Ngoài ra, ông Tuấn đặt thêm vấn đề cần xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT và của các tỉnh thành kết nối với trường THPT, THCS; với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực; với hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp; các trường ĐH-CĐ-TC… Củng cố, phát triển đội ngũ tư vấn hướng nghiệp trong các trường.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Tài (Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh khâu hướng nghiệp cho học sinh bậc THPT lẫn THCS. Bởi hiện nay, một số học sinh khi chọn nghề lại có xu hướng chọn các ngành nghề trong những trường ĐH nổi tiếng cho… oai, nếu rớt cũng không phải quá buồn. Số khác còn chọn nghề theo yêu cầu của bố mẹ, người thân hoặc bạn bè, chọn nghề ngẫu nhiên hoặc chọn theo hướng dẫn của thầy cô giáo…

Thục Trân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)