Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc đợt thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động (XKLĐ) có thời hạn ở nước ngoài tại Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan. Qua đó phát hiện Trung tâm lao động ngoài nước thu chênh lệch của người lao động trên 53,6 tỉ đồng.
Chỉ tính riêng việc đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Trung tâm lao động ngoài nước đã thu chênh lệch tiền vé máy bay, phí đào tạo giáo dục định hướng và lệ phí tư pháp lên đến 53,665 tỉ đồng. Tiền vé máy bay, theo quy định, mỗi lao động xuất cảnh phải nộp lệ phí mua vé là 350 USD/người nhưng trung tâm chỉ mua với mức 320 USD/người. Tính tổng số 29.247 lao động đã được đưa đi lao động tại Hàn Quốc, số tiền chênh lệch từ khoản mua vé máy bay lên đến 40,1 tỉ đồng.
Trung tâm đã thu trên 16 tỉ đồng lệ phí đào tạo – giáo dục định hướng, so với tổng chi phí để đào tạo đối với người lao động của trung tâm chỉ có 7,2 tỉ đồng thì chênh lệch 8,84 tỉ đồng. Trung tâm còn tự thu lệ phí lý lịch tư pháp đối với người lao động với tổng số tiền thu được trên 4,6 tỉ đồng.
Trung tâm đã nộp 45,2 tỉ đồng vào Quỹ hỗ trợ XKLĐ nhưng về nguyên tắc phải hoàn trả người lao động. Xét thực tế việc tiến hành trả lại sẽ rất khó khăn, phức tạp nên Thanh tra Chính phủ yêu cầu nộp lại số tiền này vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý.
Kiểm tra tại một số doanh nghiệp hoạt động XKLĐ, Thanh tra Chính phủ kết luận một số đơn vị đã có các vi phạm về phí môi giới và một số phí khác. Về phần phí môi giới, các hợp đồng ký giữa doanh nghiệp XKLĐ VN và chủ sử dụng lao động nước ngoài tại thị trường Malaysia phải trả phí tư vấn cho phía phát triển việc làm Malaysia (thực chất là các công ty môi giới) không quá 350 USD/lao động. Nhưng trên thực tế đa số người lao động phải nộp cao hơn quy định 30-50 USD.
Tại thị trường Đài Loan, theo quy định của pháp luật Đài Loan, các công ty môi giới không được thu phí môi giới của người lao động nhưng thực tế vẫn thu 350-1.500 USD/lao động, tùy theo ngành nghề.
MINH QUANG (TTO)
Bình luận (0)