Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thủ phạm của viêm mũi

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa những thành phố nhiều khói bụi, thời tiết lại mưa nắng thất thường, bệnh viêm mũi dị ứng càng có cơ hội sinh sôi.

Thủ phạm của viêm mũi
Khảo sát bỏ túi, cứ 10 người thì có 3-4 người kêu mình hay bị viêm mũi dị ứng. Triệu chứng là thường hay sụt sịt mỗi khi trái gió trở trời. Ngồi máy lạnh nhiều cũng nghẹt mũi, khó thở. Có người còn bị biến chứng thành ho kéo dài. Chất lượng cuộc sống theo đó mà sụt giảm, nhẹ thì không thể vui chơi, hát karaoke; nặng thì phải nằm nhà, nghỉ việc.
Ở những đô thị có mật độ dân cư cao như TP.HCM, khói bụi và chất thải công nghiệp gây ô nhiễm, cộng thêm thời tiết mưa nắng thất thường, các tòa nhà văn phòng thì đóng kín mít, mở máy lạnh chạy vù vù suốt ngày, bệnh viêm mũi dị ứng ngày một phổ biến. Công nhân làm việc tại các nhà máy da giày, cắt may, hóa chất cũng rất dễ mắc bệnh do tiếp xúc với dị nguyên.
“Thủ phạm” ở quanh ta
Thời tiết nhiều vùng ở nước ta đang vào giai đoạn chuyển mùa, sau một thời gian nắng nóng kéo dài, bước vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm… phát triển. Sự thay đổi khí hậu làm gia tăng các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Sơn (từng công tác tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho biết viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể. Tuy không đe dọa tính mạng nhưng viêm mũi dị ứng lại gây khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Bệnh này làm ảnh hưởng lớn tới hiệu suất làm việc, học tập, sinh hoạt.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, viêm mũi dị ứng xuất phát từ việc tiếp xúc với dị nguyên: dị nguyên đường thở (bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa…), dị nguyên thực phẩm (trứng, sữa, các loại hải sản…), dị nguyên là các loại thuốc (kháng sinh các loại), thời tiết, nhiệt độ thay đổi đột ngột như trời đang nắng chuyển mưa hoặc cơ địa dị ứng (Atopic).
Bệnh viêm mũi dị ứng tấn công con người ở mọi độ tuổi, giới tính. Trẻ nhỏ vẫn có thể bị viêm mũi dị ứng. Thời tiết lạnh, môi trường ô nhiễm bởi bụi bẩn, sức đề kháng kém là nguyên nhân gây nên viêm mũi dị ứng ở trẻ vào mùa đông.
Người bị viêm mũi dị ứng thường có một số triệu chứng rất dễ nhận biết, chẳng hạn cảm giác như bị "cảm" kéo dài, kèm theo nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi, thường là chảy mũi loãng trong. Người bệnh cảm thấy đau đầu thường xuyên, đau tai và cảm giác ù, đầy tai; đau họng và khạc đàm kéo dài, ho khai dai dẳng. Bệnh viêm mũi dị ứng còn có triệu chứng rối loạn giấc ngủ, ngáy, khứu giác và vị giác sụt giảm, tinh thần kém tập trung. Bệnh nhân cũng cảm thấy ngứa, đỏ, chảy nước mắt, phù nề thâm quầng mí mắt. Ở trẻ em, viêm mũi dị ứng thường xuất hiện với những biểu hiện như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, thường xuyên quấy khóc.
Bác sĩ Phạm Thanh Sơn lưu ý sự khác nhau giữa viêm mũi cấp và viêm mũi dị ứng. Theo đó, người bệnh viêm mũi cấp (do nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn) sẽ bị ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi như viêm mũi dị ứng nhưng cường độ thường ít hơn. Bên cạnh đó sẽ có các triệu chứng ít gặp trong viêm mũi dị ứng là sốt, nhức đầu, cơ thể rất mệt mỏi, có thể kèm theo ho và đau họng. Khi xì mũi vào khăn tay nước mũi để lại vết hoen ố, còn dịch mũi trong viêm mũi dị ứng hoàn toàn không để lại dấu vết nào.
Khó trị dứt điểm
Điều đáng quan ngại là hầu hết bệnh nhân đều khá chủ quan khi bị viêm mũi dị ứng. Không mấy người đi gặp bác sĩ, chủ yếu là chạy thẳng tới tiệm thuốc tây mua kháng sinh và nước nhỏ mũi tự điều trị. Cách xử trí này làm bệnh dai dẳng và tái phát, lần sau nặng hơn lần trước.
Bác sĩ Phạm Thanh Sơn cho biết, viêm mũi dị ứng có những biến chứng phức tạp, rất khó chữa trị. Theo đó, người bị bệnh thường bị mất ngủ hoặc trằn trọc, dẫn đến mệt mỏi và hiệu suất làm việc kém. Viêm mũi dị ứng cũng khiến bệnh hen suyễn nặng thêm. Với người bị hen suyễn thì viêm mũi làm ho và khò khè nặng hơn. Bị viêm mũi dị ứng kéo dài mà không chữa trị đúng cách dễ dẫn đến bệnh viêm xoang, do các xoang bị sưng lâu (tức là nhiễm trùng hoặc viêm trong hốc xoang quanh mũi). Người bị viêm mũi dị ứng cũng có nguy cơ bị hen gấp 3 lần người bình thường. Do người bị viêm mũi dị ứng thường chuyển từ thở mũi sang thở miệng, gây ảnh hưởng đường thở, từ đó dễ dẫn đến bệnh hen.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ nếu không điều trị dứt điểm và có các biện pháp phòng ngừa dễ gây đến các biến chứng về đường hô hấp cho trẻ như viêm tai, viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản..
Theo bác sĩ Sơn, để điều trị hết dấu hiệu của viêm mũi dị ứng thì không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát nếu sức đề kháng của bản thân không tốt cùng với tác nhân gây dị ứng không được loại bỏ hoàn toàn. Có thể nói là rất khó để chữa dứt điểm căn bệnh khó chịu này. Bác sĩ Sơn cũng lưu ý là viêm mũi dị ứng còn có khả năng di truyền.
Cách phòng ngừa đơn giản
Theo bác sĩ Sơn, một số biện pháp sau đây có thể hữu ích:
Đeo khẩu trang khi ở trong môi trường có nhiều khói, bụi, gió lạnh.
Dùng nước muối sinh lý rửa mũi hằng ngày 2 – 3 lần, nhất là sau khi hoạt động ngoài trời, giúp loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn, góp phần ngăn ngừa các bệnh hô hấp.
Sử dụng máy giữ độ ẩm trong không khí đạt chuẩn và thoáng mát để tạo môi trường trong lành cho trẻ.
Tắm đúng cách và dùng nước ấm tắm khi nhiệt độ ngoài trời giảm.
Khi trời tiết thay đổi đột ngột từ nóng ẩm sang lạnh, cần mặc đủ ấm, tránh những nơi gió lùa.
Không để chân bị ướt, hoặc lạnh khi ngủ.
Quanh nhà nên hạn chế trồng hoa.
Không nên nuôi chó mèo trong nhà, hạn chế đến mức tối đa không tiếp xúc với các loại vật nuôi.
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nơi ngủ luôn sạch thoáng, không để nấm mốc phát triển.
Uống nhiều nước để giúp hệ hô hấp làm việc tốt. Tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin; có thể cho uống bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Theo TNO

 

Bình luận (0)