Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thư pháp không chỉ là viết chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Thư pháp chữ Việt là một truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Ảnh: I.T
Thời gian gần đây, thư pháp chữ Việt ngày càng thịnh hành. Nó không chỉ xuất hiện ở đình chùa, miếu mạo… mà còn có khắp nơi từ tờ lịch để xem ngày tháng, đến những bức tranh trang trí bằng chất liệu vải, giấy, mành trúc…
Thư pháp chữ Việt không có bề dày lịch sử như thư pháp Trung Quốc, Nhật Bản. Có ý kiến cho rằng sao chữ Việt lại bắt chước cách viết thư pháp của kiểu chữ tượng hình để rồi viết ngoằn ngoèo như rồng, như rắn… Thế nhưng, những ai học thư pháp, viết thư pháp, hiểu thư pháp chữ Việt sẽ nhận thấy thư pháp không chỉ là viết chữ.
Ngay buổi đầu học thư pháp chữ Việt, người học sẽ tiếp nhận được nhiều điều bổ ích. Cụ thể, để viết được thư pháp, người học phải tập tư thế ngồi viết, đứng viết và cách cầm bút đúng. Nó còn khó hơn tư thế mà các thầy cô ở trường tiểu học rèn các em học sinh để có thể viết đúng, viết đẹp trong yêu cầu “Rèn chữ giữ vở”. Từ nét viết đầu tiên, cách khởi bút, hành bút, hồi bút (thu bút) đã rèn người học sự tập trung cao để đạt được yêu cầu nét thẳng, đều, không lem mực. Tập trung, kiên trì, cẩn thận là các yếu tố bắt buộc ở người học thư pháp.
Học thư pháp chữ Việt là học điều hay, lẽ phải vì các chữ được viết thư pháp đều là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, thơ, châm ngôn… Mỗi chữ, mỗi câu là một bài học để hoàn thiện con người. Khi viết chữ “Nhân”, lòng tự hỏi mình có xứng là người? Viết chữ “Nhẫn”, tự nhủ lòng hãy bớt sân si, nóng nảy. Viết chữ “Đức”, chữ “Tâm”, tự nhắc mình tu nhân tích đức… Xúc động làm sao khi viết “Cánh cò cõng nắng, cõng mưa/ Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”, “Cha là đỉnh núi mây mờ/ Cho con đường rộng bây giờ con đi” hay “Dẫu mai đi mọi phương trời/ Những lời thầy dạy, trọn đời khắc ghi”… để rồi nhớ mà đáp đền công ơn sinh thành, dưỡng dục. Viết để rồi nghiền ngẫm, rút ra những lời khuyên bảo bổ ích cho bản thân như “Tận nhân lực tri thiên mệnh”, “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “Ai ơi ăn ở cho lành/ Tu nhân tích đức để dành về sau”…
Hiện nay, tiếng Hán – Nôm gần như ít được sử dụng nên rất nhiều người đã quên hoặc chưa từng biết thì học thư pháp chữ Việt là điều kiện tốt để ôn lại, để hiểu biết thêm. Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là những chữ thường được viết nhiều và người học sẽ hiểu về “ngũ thường”. Viết và hiểu các câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”, “Dục tốc bất đạt”, “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”… chẳng những là tiếp thu được kiến thức về tiếng Hán – Nôm, về văn học mà nó còn là bài học tốt cho chúng ta trong cuộc sống. Ngoài ra, khi học thư pháp, chúng ta sẽ cảm nhận khác hơn, thấy hay và hiểu rõ hơn khi đọc các tác phẩm văn học liên quan đến việc học, việc thi cử, việc viết chữ thời xa xưa như Lều chõng của Ngô Tất Tố, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân… Và khi viết thư pháp, chúng ta sẽ thấy được đó là một nghệ thuật sáng tạo riêng biệt của người Việt Nam kết hợp giữa thư và họa. Bên cạnh đó, viết thư pháp còn là cách thư giãn hết sức trí tuệ bởi khi viết, chúng ta phải tập trung cao độ, không thể nghĩ đến vấn đề nào khác để viết đúng, viết đẹp và cảm nhận được hết cái hay của từng từ, từng câu mình đã viết.
Các em học sinh bậc THCS, THPT hay sinh viên các trường ĐH, CĐ…, nếu có điều kiện và sắp xếp được thời gian hãy học thư pháp chữ Việt để thấy rõ những lợi ích mà nó mang đến. Hiện nay, có rất nhiều nơi dạy viết thư pháp, tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu rõ để chọn học với các thầy cô có kiến thức văn học, có hiểu biết về Hán – Nôm.
Tôi nghĩ rằng, khi thư pháp chữ Việt phát triển mạnh mẽ, trong tương lai, thế hệ sau sẽ tự hào nói rằng: Học thư pháp chữ Việt là học làm người, là tự hoàn thiện mình và thư pháp chữ Việt là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Lê Phương Nhân Tâm (Q.4, TP.HCM)
Học thư pháp, chúng ta sẽ cảm nhận khác hơn, thấy hay và hiểu rõ hơn khi đọc các tác phẩm văn học liên quan đến việc học, việc thi cử, việc viết chữ thời xa xưa như Lều chõng của Ngô Tất Tố, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)