Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Thủ phủ” nghề chằm lá

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Kiển cùng người hàng xóm chằm lá dừa dưới gầm cầu Bà Sáu (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè)

Có thể nói, nghề chằm lá dừa là một nghề dân dã lâu đời nhất của người dân Nam bộ. Xuất phát từ nhu cầu tăng tuổi thọ cho mái lợp, người dân đã nghĩ ra cách chằm lá. Cuộc sống đổi thay, những mái lá cũng dần dần được thay thế bằng mái ngói. Tuy vậy, nghề này đến nay vẫn còn sức sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Chúng tôi đến xã Nhơn Đức, nơi được xem là “thủ phủ” của nghề chằm lá dừa nước còn sót lại của huyện Nhà Bè – TP.HCM. Theo các bậc cao niên sống ở đây, từ trước những năm 90, chỉ tính riêng trong ấp 2, xã Nhơn Đức đã có đến 30 hộ với gần 200 nhân khẩu làm nghề này. Nay, người dân không tính theo hộ nữa mà tính trên đầu người nhưng cũng không quá con số 20.
Nhọc nhằn đời chằm lá
Chằm được hiểu là thao tác tết lá dừa lại thành tấm (như kiểu bện tranh rạ hoặc lá dừa của người dân miền Trung). Lá dừa nước sau khi chặt về đem róc lấy lá. Phần thân chẻ nhỏ, chặt khúc, phơi khô dùng để làm thanh chằm. Lá dừa được gấp đôi kẹp vào thanh chằm, dùng kim xỏ dây buộc cho lá đính chặt vào thanh. Thời gian trước, nguyên liệu làm nên tấm lá đều lấy từ cây dừa nước. Tuy nhiên, do lạt lấy từ thân lá dừa nước chóng mục nên về sau được thay thế bằng dây bao.
Bà Đỗ Thị Kiển (61 tuổi) là người lớn tuổi nhất trong ấp 2 còn theo nghề chằm lá. Từ khi canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, không riêng gì gia đình bà Kiển mà hầu hết bà con trong ấp lại chăm bẵm vào nghề chằm lá dừa. Lúc bấy giờ, thoát nghèo từ công việc này thì không thể nhưng cũng có chút đỉnh tiền để xoay xở khi cần. Vào nghề cùng thời điểm với bà Kiển có ông Tư Gáo, ông Kiên, bà Bé… Hỏi chuyện những người làm cùng lúc trước, bà Kiển cười giòn như bắp rang: “Bây giờ người ta đủ ăn, đủ mặc rồi mắc chi phải làm cái nghề này cho mệt xác”.
Hiện tại, cứ 100 tấm lá chằm, người làm được thương lái trả 35 ngàn đồng. Trung bình một người thạo việc có thể chằm trên 100 tấm/ngày. Muốn có được khoản thu nhập như thế, người ta phải thức khuya dậy sớm và cả ngày chỉ làm mỗi công việc này. Sống ở khu vực đất quý hơn vàng nhưng nghe nói đến chuyện đất đai, bà Kiển nói giọng sầu não, tiếc hùi hụi: “Hồi đó không làm lúa được nữa, hầu như tháng nào cũng đi mượn gạo. Hết cách đành phải bán hết hai công đất nhưng vì thời điểm giá đất rẻ, không mua được hai chỉ vàng. Nghèo phải hái lá đổi gạo là thế”.
Để có nguyên liệu, người chằm lá phải chèo xuồng đến các sông, rạch đốn lá dừa. Những hôm con nước xuống thì phải lội bộ hàng giờ dưới sình lầy. “Vào thời điểm hút hàng, đến ngày giao mà lá dừa chưa kịp già thì phải đi mua lá. Nhà ai không có đàn ông thì phải thuê người đi đốn, chính vì thế mà tiền lời chẳng được bao nhiêu”, chị Nguyễn Thị Gái, người chằm lá cùng bà Kiển cho hay.
Nhờ nghề xóa được nợ
Bà Kiển cùng hai hộ dân trong ấp tận dụng mặt bằng dưới gầm cầu Bà Sáu để làm nơi chằm và chất lá. Quanh chỗ các bà, các chị đang ngồi bao bọc kín bởi những đống lá đã chằm xong. Bà Kiển nói như than: “Gần hai tháng rồi không thấy ghe đến chở, hơn 5.000 tấm lá chứ có ít đâu”.
Mỗi sáng, ông Kiển chèo xuồng chở bà đi chặt lá. Khi mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc ghe lá cập bến. Chuyển hết số lá lên bờ, ông Kiển về nhà giữ mấy đứa cháu, mọi việc còn lại bà Kiển tự làm lấy. Mắt bà Kiển nhìn tôi nhưng đôi tay bà thoăn thoắt gấp lá, xỏ kim chính xác đến từng ly một. Ở ấp 2, bà Kiển còn có cái tên khá ấn tượng: “Bà Kiển vượt lên chính mình”. Sở dĩ có cái tên dài ngoằng ấy là do bà từng xuất hiện trên chương trình Vượt lên chính mình của Đài Truyền hình TP.HCM. Để được xóa đi số nợ gần 7 triệu đồng vay của Ngân hàng Nhà nước, lần ấy, bà Kiển róc 18 tàu lá dừa lớn, dài hơn 2 mét chỉ trong 1 phút 14 giây; chằm 4 tấm lá chỉ trong 1 phút 17 giây. Đến nay, những người cùng làm nghề chưa vượt được “kỷ lục” này nên cái “ngôi số 1” vẫn thuộc về bà Kiển.
Tôi phải đi bộ gần 500 mét để vào bến sông thuộc khu vực ấp 3, xã Nhơn Đức, nơi có nhiều người sống bằng nghề chằm lá. Hơn chục con người đang hì hục chuyển lá lên ghe trước khi trời đổ mưa. Ông Tý, thương lái thu mua lá dừa chằm nhiều năm ở địa phương cho biết: “Trước đây, người dân chưa có thói quen dùng lá chằm để lợp nhà mà chỉ chẻ đôi thân lá phơi khô rồi lợp. Nhưng như vậy thì tuổi thọ của mái lợp rất thấp. Bây giờ, lá còn đắt hơn cả ngói nhưng không có hàng bán”. Mỗi chuyến hàng về Mộc Hóa, Long An hay Tịnh Biên, An Giang, sau khi trừ mọi hao tổn, ông Tý thu lợi không dưới 1 triệu đồng.n
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Bà Kiển tâm sự: “Công sức mình bỏ ra nhiều lắm, bấy nhiêu tiền ấy có thấm thía gì đâu. Người ta mua của mình với giá thấp rồi chở đi bỏ mối ở các vựa với giá cao. Mình cũng già rồi, biết làm gì ra tiền bây giờ, chằm lá để đó người ta đến chở cũng có vài trăm ngàn mua gạo”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)