Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thử sức với nghề bản quyền

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhân viên bản quyền luôn “làm bạn” suốt ngày với máy tính – Ảnh: Ngọc Bi

Kể cả sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne (26.10.2004), những cụm từ “mua bản quyền”, “nhân viên bản quyền”… dù có quen thuộc hơn nhưng vẫn còn lạ lẫm với nhiều người. Đây cũng là một nghề “khó nhằn” đối với bạn trẻ.

Nhân viên bản quyền là ai?

Nghề bản quyền còn là một nghề mới thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm bởi tính thử thách, giàu chất văn hóa và nghệ thuật. Nghề này lại đặc biệt khó hơn khi không hề có trường lớp đào tạo, và đặc biệt còn non trẻ nên cũng không có ai nhiều kinh nghiệm để truyền nghề lại cho người mới.

Các bạn trẻ trước khi bước chân vào nghề bản quyền cần đặc biệt trang bị những yếu tố sau: ngoại ngữ cực kỳ lưu loát, nói thông viết thạo, đọc hiểu như người bản xứ. Đây là yếu tố tiên quyết đối với người mua bản quyền vì mọi giao dịch với đối tác, thảo hợp đồng, thư từ, e-mail, điện thoại, fax qua lại, các tài liệu tham khảo… đều sử dụng tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Nga, Nhật, Hoa… Nếu trình độ ngoại ngữ không giỏi, nhân viên bản quyền không thể thẩm định được giá trị của cuốn sách hoặc cái hay của bộ phim định mua. Từ đó có thể làm trượt mất những tác phẩm hay.

 
Lương trung bình của một nhân viên bản quyền từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng. Lương trung bình của một trưởng ban bản quyền khoảng 5 triệu đồng/tháng. Những chứng chỉ, văn bằng cần thiết đối với người hành nghề bản quyền: Ngoại ngữ, ngoại thương, luật, kinh tế, văn… Hiện ở Việt Nam chưa hề có trường lớp nào đào tạo riêng về nghề bản quyền.
 

Yếu tố thứ hai cần có là khả năng diễn đạt và thuyết phục giỏi, bởi nhân viên mua bản quyền không những phải thuyết phục bằng được sếp đồng ý mua tác phẩm mà mình đã chọn, phải giới thiệu đầy đủ, sinh động về những cái hay, cái đẹp của tác phẩm định mua mà còn phải thuyết phục bằng được đối tác (có thể là nhà văn, NXB nước ngoài, các công ty phát hành phim…) đồng ý bán bản quyền cho đơn vị của mình với những điều khoản có lợi cho cả hai bên. Việc này lại càng khó khăn nữa khi do tính chất công việc, mọi giao dịch đều thực hiện qua mạng, khả năng dùng ngôn ngữ viết để thuyết phục đối tác càng yêu cầu kỹ năng viết bằng ngoại ngữ uyển chuyển và lôi cuốn hơn.

Mặt khác, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là nhân viên bản quyền phải nhạy bén về kinh tế, có đầu óc nhanh nhạy để phán đoán được tác phẩm định mua có khả năng tiêu thụ tốt ở Việt Nam hay không. Từ đó mới đưa ra quyết định mua hoặc đưa ra mức giá hợp lý. Cũng không ít bạn trẻ chỉ giỏi ngoại ngữ nhưng thiếu hụt yếu tố nhạy bén này khiến việc tác phẩm được mua vào nước ta tuy có giá trị tinh thần nhưng tiêu thụ chậm, thậm chí thua lỗ. Ngoài ra tính do dự, ngần ngừ, không quyết đoán, không tiên đoán được những biến động trong lĩnh vực phát hành và xu thế mới của người tiêu dùng cũng là những cản trở không nhỏ đối với các bạn trẻ muốn chinh phục nghề này.

Những khó khăn cần vượt qua

Khá nhiều bạn trẻ sau một thời gian thử sức với nghề bản quyền cũng phải nói lời từ giã. Bởi những yếu tố: giỏi ngoại ngữ, khả năng phán đoán thị trường nhạy bén, biết nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, kỹ năng thuyết phục cao… chỉ là những yếu tố “cần thiết” nhất nhưng chưa phải là yếu tố “đủ”. Một mặt, nghề bản quyền còn quá mới nên chưa được đánh giá cao, việc trả lương chưa xứng đáng cho những người có ngoại ngữ giỏi và nhiều năng lực như vậy khiến nhiều bạn thấy chán nản và bỏ việc.

Mặt khác, do tính chất công việc, môi trường làm việc của những người làm nghề này thường yên tĩnh và giao dịch phần lớn qua mạng internet, gắn mình bên máy vi tính. Vì vậy những bạn trẻ có tính tình sôi nổi, phóng khoáng, ưa giao thiệp sẽ nhanh chóng thấy nhàm chán và mất kiên nhẫn. Tính tình nóng vội, hay bị tác động, hoặc hời hợt cũng khó có thể làm được nghề này. Ngoài kiên nhẫn, kỹ tính, tỉ mẩn, các nhân viên bản quyền cũng còn cần trang bị kỹ năng chăm sóc đối tác và luôn nạp tri thức để trau dồi vốn văn hóa. Hy vọng trong tương lai, nghề bản quyền sẽ dần phát triển và chiếm được vị trí xứng đáng trong xã hội.

Ngọc Bi (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)