Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thử thách nghiệt ngã trong cuộc chiến chống ma túy

Tạp Chí Giáo Dục

Tin tức về những “bữa tiệc ma túy” trong giới trẻ ngày càng xuất hiện dày đặc và có vẻ như đang trở thành bình thường với dư luận.

Tin tức về những kẻ “ngáo đá” giết người, kể cả ruột thịt, trong cơn phê ma túy hay những tài xế “ngáo đá” gây tai nạn chết người hàng loạt cũng ngày càng dày hơn. Và ở mặt kia, những vụ buôn ma túy lớn, không phải vài trăm gam mà có khi tới hàng tấn, bị bắt giữ cũng ngày càng nhiều hơn, nhặt hơn, như một cơn lũ tràn về.

Ma túy bị thu giữ tại thành phố Vinh, Nghệ An

Lo từ những vụ bắt giữ ma túy cực lớn

Chiều 15-4-2019 lực lượng Cảnh sát Phòng chống ma túy thuộc Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ bốn đối tượng, thu giữ 600 ki lô gam ma túy đá tại một ngôi nhà ở thành phố Vinh, Nghệ An.

Trước đó, tại quận Bình Tân, TPHCM, vào chiều 20-3, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan… đã bắt giữ gần 20 đối tượng, thu giữ khoảng 300 ki lô gam ma túy đá (trị giá khoảng 600 tỉ đồng) tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hasan.

Đường dây ma túy này do Wu Heshan, một người Trung Quốc cầm đầu, dùng Công ty Hasan làm bình phong. Đây là đường dây ma túy cực lớn từ khu Tam Giác Vàng của Myanmar sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) rồi về TPHCM, từ đó đưa đi các nước tiêu thụ.

Đường dây này do các đối tượng người Trung Quốc, người Lào cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam tổ chức.

Đường dây buôn ma túy bị bắt tại Công ty Hasan được xác định là đường dây ma túy xuyên quốc gia, cùng một đường dây buôn hơn 600 ki lô gam ma túy đá mà lực lượng công an đã triệt phá trước đó tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) ngày 17-2, và trên quốc lộ 1A thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào ngày 12-10-2018.

Trước đó nữa, vào ngày 13-3, Công ty Hasan đã xuất trót lọt 276 ki lô gam ma túy đá được ngụy trang là container hạt nhựa từ cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) đi Philippines. Lô ma túy được đóng trong những túi giống túi trà, được bao lại thành 12 bao lớn và có cùng đặc điểm với 300 ki lô gam ma túy đá phát hiện tại Công ty Hasan, đã bị bắt giữ vào tối 22-3 khi container của Công ty Hasan cập cảng Manila.

Tiếp đến, vào tối 27-3, tại khu vực ngã tư An Sương, huyện Hóc Môn, Công an TPHCM lại phát hiện chiếc xe bán tải chở tới 890 bánh heroin, tổng trọng lượng hơn 300 ki lô gam trong hai thùng carton. Người đàn ông ngồi trên xe được xác định là chủ nhân số hàng nói trên mang quốc tịch Trung Quốc.

Hãy thử tưởng tượng, nếu hàng tấn ma túy đó được vận chuyển và đưa đi tiêu thụ trót lọt, tác hại gây ra cho xã hội sẽ lớn đến mức nào.

Lo những kẻ biến chất trong chính nội bộ

Rõ ràng bọn buôn bán ma túy nay không chỉ nhắm đến Việt Nam như một thị trường tiêu thụ mà còn đang muốn biến Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, thành một địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước. Nó đặt ra mối nguy rất lớn cho sự bình yên của xã hội, cho thế hệ tương lai, cho sự mạnh khỏe của giống nòi, và cho các nước khác.

Nó cũng đặt ra thử thách khắc nghiệt cho lực lượng phòng chống ma túy, không chỉ trong việc đối đầu với bọn tội phạm gieo rắc “cái chết trắng” mà còn trong việc giữ gìn sự trong sạch của chính đội ngũ này đứng trước những cám dỗ.

Ví dụ thì có nhiều.

Ngày 11-4-2019, Tòa án Nhân dân Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Quốc Việt (26 tuổi, cựu trinh sát thuộc Đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống ma túy – PC04) và Phạm Văn Công (34 tuổi, cựu công an phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng) về tội mua bán trái phép chất ma túy, theo điều 251 Bộ luật Hình sự 2015. Theo cáo trạng, ngày 27-4-2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hải Phòng phối hợp với Công an quận Hồng Bàng kiểm tra một nhà nghỉ, đã bắt quả tang Công tàng trữ trái phép hơn 500 gam ma túy đá.

Công khai: 10 ngày trước Việt gọi điện thoại nhờ tìm người tiêu thụ ma túy đá. Công nhận lời. Đêm 17-4-2018, Công nhận hơn 500 gam ma túy đá rồi trở về nhà nghỉ đợi bạn gái đến để đem đi tiêu thụ. Ngay sau đó, Công bị nhà chức trách ập vào bắt giữ. Việt lập tức bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Hai hôm sau, Việt ra đầu thú, khai trước đó có tham gia vụ bắt quả tang Bùi Công Doanh vận chuyển trái phép 5,85 ki lô gam ma túy đá. Sau khi nhà chức trách lấy mẫu ma túy đi giám định, số lượng còn lại hơn 5,75 ki lô gam được lãnh đạo giao cho Đội 3 cất giữ tại tủ sắt ở cơ quan.

Cuối tháng 3-2018, Việt nảy sinh ý định trộm cắp ma túy tang vật trên đem bán nên cạy tủ lấy và đánh tráo bằng 6 ki lô gam đường. Toàn bộ số ma túy, Việt chia nhỏ thành nhiều túi nhỏ đem về nhà trọ của bạn gái cất giữ, sau đó liên hệ với Công tìm khách tiêu thụ.

Hay một vụ khác, không phải là buôn bán mà dùng ma túy gài bẫy để đưa người khác vào tù. Ngày 10-4-2019, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Vân (37 tuổi, trú quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) về hai tội tàng trữ trái phép chất ma túy và vu khống. Nạn nhân trong vụ án không ai khác chính là người có quan hệ tình cảm với Vân trong nhiều năm là ông Nguyễn Văn Thiện (44 tuổi, trú cùng địa phương).

Đáng chú ý, người mà bị cáo Vân cho rằng trực tiếp đạo diễn việc gài bẫy ma túy để bắt ông Thiện là thượng úy công an Nguyễn Thị Vững (công tác tại Cục Cảnh sát phòng, chống buôn lậu, Bộ Công an), lại chỉ được xác định là nhân chứng trong vụ án.

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Thiện khẳng định không nhất trí với cáo trạng của viện kiểm sát khi xác định Vân là người duy nhất thực hiện hành vi trong vụ án này. Ông cho rằng động cơ thực sự của bị cáo ngoài việc giải quyết mâu thuẫn tình cảm thì còn muốn chiếm đoạt tài sản.

Ông Thiện cho hay đã nộp rất nhiều chứng cứ cho cơ quan điều tra (CQĐT), cho thấy Vân thuê bà Vững 1 tỉ đồng để gài bẫy, trong đó có đoạn ghi âm dài ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, CQĐT lại chỉ trích nội dung đến phút thứ 59, điều này là thiếu khách quan, bỏ lọt chứng cứ của vụ án…

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Thiện sau đó cũng công bố một đoạn ghi âm ngắn, đồng thời cho rằng cơ quan giám định chỉ trích sao đến phút thứ 59 trong đoạn ghi âm mà ông Thiện xuất trình là không khách quan. Luật sư đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ chi tiết này.

Cuối cùng, tòa đã quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều tình tiết quan trọng.

Những vụ việc trên khiến người ta nhớ lại một vụ việc gây chấn động gần 25 năm trước (1995-1996), khi kẻ tử tù vì buôn ma túy Xiêng Phênh, người Lào, vào giây phút cuối trước khi bị xử tử hình đã khai ra Vũ Xuân Trường, đại úy Cục Cảnh sát hình sự, và Vũ Hữu Chỉnh, thiếu tá, Phó phòng 8 Cục Cảnh sát kinh tế, nằm trong đường dây buôn ma túy từ Lào về Việt Nam.

Từ lời khai của Xiêng Phênh, Vũ Xuân Trường, Vũ Hữu Chỉnh và một số cán bộ công an, biên phòng liên quan khác lần lượt bị bắt giam. Năm 1998, Vũ Xuân Trường bị thi hành án tử hình, những đồng phạm như Vũ Hữu Chỉnh, Nguyễn Trọng Kỳ, Đỗ Tuấn Anh bị đưa đi cải tạo ở các trại giam. Xiêng Phênh đã giúp phá đường dây ma túy lớn có sự tham gia của những công an, biên phòng biến chất, nhờ đó được ân giảm từ án tử hình xuống chung thân, sau đó được ân xá.

Những ví dụ trên cho thấy, khi những người được giao trách nhiệm, được trao trọng trách đấu tranh chống lại tội ác mà biến chất thì với việc nắm thông tin từ bên trong, đến chân tơ kẽ tóc, họ sẽ gây ra thiệt hại lớn đến thế nào cho cuộc đấu tranh bảo vệ cộng đồng, bảo vệ đất nước và gây khó cho lực lượng bảo vệ pháp luật ra sao.

Trước cám dỗ của đồng tiền, những kẻ như Vũ Xuân Trường, Vũ Hữu Chỉnh, Phạm Quốc Việt, Phạm Văn Công… đã vứt bỏ lương tâm con người, ý thức phục vụ lợi ích của cộng đồng, của đất nước, nói gì đến lương tâm chức nghiệp của cán bộ công chức.

Rõ ràng, trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán ma túy, thử thách cam go, khắc nghiệt đối với lực lượng bảo vệ luật pháp không chỉ đến từ bọn tội phạm mà còn đến từ những kẻ biến chất trong chính nội bộ. Và chỉ có rèn luyện ý thức phục vụ nhân dân cao, kèm theo án phạt nặng đối với kẻ vi phạm mới có thể giữ cho đội ngũ này trong sạch.

Đoàn Khắc Xuyên/TBKTSG

Bình luận (0)