Việc cơ quan thuế đưa ra thông báo tất cả những người kinh doanh trên facebook đều phải nộp thuế đang bắt đầu làm thay đổi chuyện trao đổi, mua bán các loại hàng hóa trên facebook và cả mạng xã hội khác như Zalo, Yotube, instagram, twitter.
Sản phẩm gỗ trắc được rao bán trên mạng |
“Sao tôi lại phải đóng thuế?”
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có tới 35% doanh nghiệp “lấn sân” sang lĩnh vực bán hàng trên “thế giới ảo” nhưng lại thu lợi thật. Nếu tính theo cá nhân, con số đó sẽ tới hàng triệu hộ kinh doanh đang kinh doanh nhờ sự tiếp sức của facebook với doanh thu không hề nhỏ nhưng chưa bao giờ biết đóng thuế là gì. Thực tế cho thấy đã kinh doanh là có lãi mà có lãi thì phải có nghĩa vụ đóng thuế vì đây là quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm rằng, kinh doanh qua mạng xã hội không ảnh hưởng tới ai nên cần gì phải nộp thuế. Nhiều người ban đầu chỉ là cách giới thiệu sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội thay vì phải đến tận nơi để tiếp thị. Nào ngờ đây là cách rao hàng có hiệu ứng tích cực nhất nên không biết từ bao giờ facebook đã trở thành công cụ đắc lực nhất cho việc trao đổi hàng hóa trên mạng. Mạng xã hội nghiễm nhiên đã trở thành cầu nối giữa kẻ bán người mua một cách tấp nập nhưng vô cùng tiện lợi về mặt không gian và thời gian. Thay vì phải đăng ký kinh doanh, thuê mặt bằng và nhân lực thì các hộ kinh doanh với vai trò là cư dân mạng đã đơn giản hóa mọi thủ tục để đạt được mục đích cuối cùng của mình. Nếu trước đây mặt hàng chủ yếu vài ký trái cây, dăm bộ quần áo thì hiện nay nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội mà nhiều mặt hàng “to lớn” khác phục vụ đời sống con người đã được đến tận tay người tiêu dùng bằng “kênh” facebook. Vì thế không ít hộ kinh doanh đã trả lại mặt bằng sau khi kinh doanh qua “thế giới ảo” thành công để chuyển hướng buôn bán thông qua bộ bàn phím trên máy vi tính. Việc mở rộng buôn bán trên facebook đã giúp cho người kinh doanh “nở nồi” doanh thu hàng tháng tăng gấp đôi gấp ba lên tiền tỷ. Do không có sự quản lý chặt chẽ như người kinh doanh trên phố hoặc trong chợ nên các hộ kinh doanh trên mạng xã hội đã “qua mặt” được phòng thuế, lãi bao nhiêu hưởng thụ bấy nhiêu. Đây chính là kẽ hở mới làm thất thu ngân sách Nhà nước trong việc đánh thuế kinh doanh theo quy định. Không những thế “khoảng trống” về thuế thu nhập này còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hình thức kinh doanh với nhau. Chị Thành – một tiểu thương có sạp mỹ phẩm ở chợ Thủ Đức phân trần: “Trước đây sạp tôi kinh doanh ổn định nhưng sau này càng ngày càng ế trong đó có lý do là người ta kinh doanh quá nhiều mặt hàng này qua mạng”.
Có chế tài nếu trốn thuế
Theo chị Thành, do chịu các khoản thuế nên giá cả bán tại chợ truyền thống thường cao hơn chợ online và như vậy càng ngày càng mất khách. Trong lúc đó việc trao đổi buôn bán diễn ra tại chỗ chỉ cần ngồi trong nhà không phải bước chân ra chợ là cũng có thể có hàng giao tận nơi rất tiện ích. “Rõ ràng những người kinh doanh như vậy là đang trốn thuế” – chị Thành khẳng định. Trong lúc đó anh B. một hộ kinh doanh quần áo may sẵn có thâm niên trên facebook lại phản bác: “Tất cả các nguyên vật liệu tôi mua để làm ra sản phẩm đều đã phải chịu thuế rồi nên theo tôi không cần phải đóng thuế thêm một lần nữa. Hơn nữa số lượng kinh doanh của tôi không nhiều doanh thu chỉ vài chục triệu làm gì phải đánh thuế”.
Hiện nay các địa phương đang nỗ lực tìm cách chống thất thu thuế không chỉ trong thị trường thương mại truyền thống mà cả trong thương mại điện tử đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định, mảng thương mại điện tử do Sở Công thương TP quản lý dù đã nắm rõ số lượng các website đang hoạt động, tên miền của các đơn vị kinh doanh nhưng khó khăn là vẫn chưa nắm được doanh thu bán hàng cụ thể của từng đơn vị. Vì thế thời gian qua, cơ quan thuế tại TP.HCM đã gửi giấy mời hơn 13.470 chủ tài khoản facebook đến làm việc và yêu cầu kê khai nộp thuế. Tuy nhiên nhiều cơ sở đã tìm cách né tránh với các lý do doanh thu thấp, chưa kinh doanh gì, không biết quy định đóng thuế… Đây chính là những khó khăn ban đầu của ngành thuế khi áp dụng Luật Thuế mới này. Theo các chuyên gia kinh tế, việc quản lý, giám sát hoạt động bán hàng của cá nhân, doanh nghiệp bán hàng trên mạng gặp nhiều khó khăn vì chủ yếu giao dịch phương thức trao hàng – trả tiền không có hóa đơn chứng từ nên rất khó giám sát. Bên cạnh đó vì nhiều người không có địa chỉ rõ ràng và nếu có cũng chỉ là “ảo” rất khó truy xuất nguồn gốc. Nếu có đăng ký thì cá nhân kinh doanh cũng lách luật để né tránh vì do họ tự khai và tự tính. Chuyện thêm bớt như trở bàn tay. Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết việc triển khai vận động người dân kinh doanh, buôn bán trên mạng nộp thuế chủ yếu là hình thức vận động dựa trên tinh thần tự nguyện là chính.
Trước thực tế này, sắp tới cơ quan thuế sẽ tiến hành yêu cầu các hộ phải đăng ký kinh doanh với bán hàng qua mạng, kiểm soát việc giao dịch trong tài khoản cá nhân và doanh nghiệp để làm cơ sở thu thuế bán hàng online. “Về lâu dài cần mở rộng dịch vụ thanh toán không cần tiền mặt như kinh doanh truyền thống mà có hóa đơn cụ thể. Đây là chứng từ minh bạch để cơ quan thuế quản lý và truy thu được các loại thuế kinh doanh của các hộ cá nhân và doanh nghiệp” – ông Kiên khẳng định.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)